Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc. Toàn tỉnh có 9 huyện và 1 thành phố với 161 xã, phường, thị trấn, trong đó có 40 xã, thị trấn biên giới. Có 33 xã thuộc khu vực I, 4 xã thuộc khu vực II, 124 xã thuộc khu vực III; có 996 thôn đặc biệt khó khăn/1.462 thôn. Dân số toàn tỉnh trên 54.000 người, trong đó đồng bào các DTTS chiếm tỷ lệ gần 95%, đông nhất là dân tộc Tày (40,97%), Nùng (31,07%), còn lại là các dân tộc khác.
Năm 2024, Cao Bằng có tổng nguồn vốn Trung ương giao là hơn 2.240 tỉ đồng (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022, 2023 kéo dài sang thực hiện năm 2024, và nguồn chỉ tiêu giao năm 2024). Đến hết tháng 9, địa phương này giải ngân hơn 656 tỉ đồng, đạt 29,3% kế hoạch năm. Trong đó, vốn đầu tư đạt gần 59%, vốn sự nghiệp mới chỉ đạt hơn 10% trong tổng số hơn 1.300 tỉ đồng.
Theo đánh giá của tỉnh Cao Bằng, hiện nay, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, một số nội dung khó khăn, vướng mắc chưa được các bộ ngành Trung ương hướng dẫn cụ thể, nhất là vướng mắc trong thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; nội dung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù;
Nội dung về đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số thuộc Dự án 5 chưa được triển khai thực hiện…Tổng nguồn vốn được phân bổ trong giai đoạn 2021 – 2024 là rất lớn, trong khi thời gian thực hiện ngắn dẫn đến giải ngân vốn hàng năm không đạt kế hoạch đề ra, phải thực hiện chuyển nguồn qua các năm dẫn tới làm tăng áp lực giải ngân. Việc bố trí nguồn vốn đối ứng địa phương và các nguồn vốn khác thực hiện Chương trình còn hạn chế; một số nơi cán bộ còn lúng túng trong thực hiện…
Cao Bằng xác định, để cải thiện tỉ lệ giải ngân cũng như phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư các chương trình MTQG, địa phương tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư và triển khai công tác đấu thầu, thi công dự án. Về cơ chế chính sách sẽ nghiên cứu cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở, nhất là trong công tác phân bổ vốn và điều chỉnh vốn của Chương trình.
Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện các Dự án, tiểu dự án, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
“Trước cơn bão số 3 thì chúng tôi đã tiếp tục có chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn. Năm nay khá đặc biệt là mưa rất nhiều từ tháng 5 và lại ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 cũng ảnh hưởng không nhỏ tiến độ. Tuy nhiên, trong tất các nhiệm vụ chúng tôi cũng tập trung ưu tiên giải ngân đầu tư công. Với chương trình MTQG, nhất là chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, chúng tôi đã cử các đoàn đi kiểm tra tại cơ sở, song song kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ và kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai các công trình, dự án”.
Trước đó, vào ngày 14/5/2024, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 làm Trưởng đoàn đã thăm, làm việc tại UBND tỉnh Cao Bằng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, tỉnh Cao Bằng và Đoàn công tác đã chia sẻ, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề; bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc phân cấp... và nhiều cơ chế chính sách đặc thù triển khai các công trình, dự án, chính sách trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực của tỉnh Cao Bằng trong việc chăm lo cho đời sống Nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), biên giới trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh về các nội dung làm việc với đoàn công tác.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết đoàn công tác sẽ tiếp thu những ý kiến kiến nghị của tỉnh để tổng hợp, tham mưu, tháo gỡ kịp thời. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra; tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đánh giá rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan liên quan đến thể chế; phối hợp với các bộ, ngành rà soát, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ Chính phủ giao. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, để đạt được các mục tiêu đề ra, đưa chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn./.