Cảnh báo giá khí đốt giao ngay sẽ tăng cao kỷ lục do siết nguồn cung

Nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu tăng cao trong khi nguồn cung ngày càng siết chặt, các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) cảnh báo giá khí đốt giao ngay sẽ tăng cao kỷ lục và biến động nhiều tại thị trường châu Âu lẫn châu Á.
nguon-cung-khi-dot-01-1706064261.jpg
Một khu lưu trữ khí đốt tại châu Âu (Ảnh minh họa)

Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) nhận định thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu sẽ thắt chặt cho đến năm 2026, trong khi nhu cầu dự kiến tăng 1,5% vào năm nay và lên tới 22% cho đến năm 2050.

Dự báo trên do Tổng thư ký của GECF, ông Mohamed Hamel, đưa ra hôm 22/1 tại một hội nghị tổ chức ở Trinidad và Tobago.

Theo thông tin trên website chính thức của GECF, tổ chức này đại diện cho các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên bao gồm Qatar, Nga, Trinidad và Tobago. Các thành viên của tổ chức này nắm giữ hơn 2/3 nguồn cung khí đốt của thế giới.

Trong báo cáo thường niên của mình, GECF đã cảnh báo về giá khí đốt giao ngay sẽ tăng cao kỷ lục và biến động nhiều tại thị trường châu Âu lẫn châu Á.

Đồng thời, tổ chức này lưu ý các nước đang ưu tiên giải quyết những lo ngại về an ninh năng lượng hơn các mục tiêu giảm thiểu khí thải nhằm chống biến đổi khí hậu, trong đó các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân.

nguon-cung-khi-dot-02-1706064249.jpg
Nhân viên làm việc tại trạm nén khí đốt ở Ihtiman, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng tại hội nghị hôm 22/1, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tăng trưởng khí đốt của “ông lớn” ngành năng lượng BP, bà Oksana Dembitska, cảnh báo về giá LNG quá cao.

Bà cho biết chính điều này đã khiến nhu cầu khí đốt sụt giảm, đặc biệt là sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát khiến giá LNG tăng gấp 7 lần.

Bà Dembitska cũng cho biết BP kỳ vọng rằng châu Âu sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng của LNG trong ít nhất 20 năm nữa. Điều này đang hỗ trợ các thỏa thuận cung cấp cho khu vực này.

nguon-cung-khi-dot-03-1706064340.jpg
Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Carson, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Australia mới đây cho hay, nước này đã đạt được hai thỏa thuận cung cấp cho thị trường nội địa để cung ứng năng lượng cho các trạm khí đốt dọc bờ biển phía đông, với hy vọng giảm bớt một số lo ngại về nguồn cung khí đốt trong nước.

Các nhà phân tích và Cơ quan Điều hành Thị trường Năng lượng Australia (AEMO) đã cảnh báo rằng Australia có kế hoạch cho phần lớn đội tàu chở than của nước này ngừng hoạt động vào năm 2033 và đặt niềm tin vào năng lượng tái tạo, nhưng nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nếu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Mặc dù là một nhà xuất khẩu LNG lớn, Australia đã phải đối mặt với các vấn đề về cung cấp khí đốt ở bờ biển phía đông và vào năm 2022. Australia cũng đã đưa ra mức trần giá khí đốt tự nhiên cho thị trường nội địa. Mức trần này nhằm giảm thiểu tác động của việc nguồn cung khí đốt quốc tế thắt chặt vào năm 2022 dẫn đến giá tăng vọt./.

Bình Nguyên