Đa dạng hệ thống trang trại
Hiện nay cả nước có 18.945 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ NN-PTNT, trong đó có 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.586 trang trại nuôi thủy sản, 1.952 trang trại tổng hợp.
Các trang trại hiện nay đang phát triển theo hướng tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất tập trung, quy mô lớn (bình quân diện tích đất là 3,52 ha/trang trại); giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh năm 2022 là 2.430,4 triệu đồng/trang trại.
Việc tổ chức sản xuất trong trang trại đã chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, ứng dụng tin học, chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu và tập trung sản xuất, kinh doanh những cây, con đặc thù có giá trị kinh tế cao.
Sản phẩm sản xuất theo hướng chất lượng an toàn, sản xuất hữu cơ gắn với tiêu chuẩn quy định và gắn với truy suất nguồn gốc sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất năm 2022 đạt 3.513 triệu đồng/năm, tạo thu nhập lao động thường xuyên đạt 4,9 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều trang trại đã thực hiện liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị để ổn định tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra đồng thời bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân. Hiện có khoảng 2.285 trang trại có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều trang trại đã tổ chức kết hợp các hoạt động du lịch và phi nông nghiệp để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp như: Sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm; lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất. Hiện có 42 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp và 800 trang trại đầu tư hệ thống điện mặt trời.
Lao động chủ yếu là chủ trang trại và các thành viên trong gia đình. Một số trang trại có thuê mướn lao động bên ngoài chủ yếu là vào thời vụ gieo trồng, thu hoạch với số lao động thường xuyên bình quân 3,8 lao động/trang trại.
Cần tháo gỡ những khó khăn
Theo Ths. Nguyễn Văn Chung, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT), để khuyến khích kinh tế trang trại phát triển, ngày 02/02/2000 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại.
Với chính sách lâu dài, Nhà nước khuyến khích đối với kinh tế trang trại và bảo hộ kinh tế trang trại. Nhà nước đặc biệt khuyến khích việc đầu tư khai thác và sử dụng có hiệu quả đất trống, đồi núi trọc, ao, hồ, đầm, đất còn hoang hoá để sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh với tỷ suất hàng hoá cao.
Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát huy kinh tế tự chủ của hộ nông dân, phát triển kinh tế trang trại đi đôi với chuyển đổi hợp tác xã cũ, mở rộng các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất - kinh doanh.
Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ về vốn, khoa học-công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại phát triển bền vững. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước để các trang trại phát triển lành mạnh, có hiệu quả…
Tuy nhiên, các chính sách này được thực hiện thông qua các văn bản của Chính phủ quy định chính sách cùng các đối tượng khác. Đặc biệt chính sách về “tăng cường công tác quản lý Nhà nước để các trang trại phát triển lành mạnh, có hiệu quả” do không có văn bản quy định về quản lý Nhà nước đối với trang trại nên trong thực tế tại các địa phương hầu như để các trang trại phát triển tự phát và áp đặt sự quản lý như các đối tượng khác nên gây khó khăn cho các chủ trang trại trong việc đầu tư phát triển trang trại.
“Đặc biệt, phần lớn các trang trại hiện nay phát triển còn mang tính tự phát, quy mô sản xuất (đất đai, lao động, vốn) của nhiều trang trại còn nhỏ. Chất lượng lao động trong các trang trại hiện nay còn thấp, năng lực quản trị và hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật của nhiều chủ trang trại còn hạn chế.
Quy trình kỹ thuật sản xuất của các trang trại chưa hiện đại, chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đặc biệt ứng dụng tin học trong sản xuất, chế biến, bảo quản chưa nhiều”, Ths. Nguyễn Văn Chung, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT thông tin.
Cũng theo Ths. Nguyễn Văn Chung, sản phẩm của trang trại chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm chưa cao và không ổn định, sản phẩm hàng hoá bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu. Đa số các trang trại chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch sản phẩm hàng hóa.
Việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi của một số trang trại thiếu hợp lý, chưa phù hợp với kinh tế thị trường, mất cân đối cung cầu, giá trị đạt thấp; số trang trại có hợp đồng liên doanh, liên kết chưa nhiều, mối liên kết chưa bền vững, do không có thị trường tiêu thụ ổn định trong khi năng lực cạnh tranh còn thấp nên chịu thua thiệt khi giá nông sản xuống thấp.
Việc hỗ trợ các trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, ứng dụng tin học trong sản xuất, chế biến, bảo quản chưa nhiều, mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực và khu vực nhất định (chủ yếu là chăn nuôi).
“Một số trang trại ngoài hoạt động nông nghiệp còn kết hợp hoạt động du lịch hoặc sản xuất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động này hầu hết phát triển tự phát, không có quy hoạch, không tuân thủ quy định về đất đai, xây dựng. Trong đó, các trang trại kết hợp du lịch hầu hết chưa có giấy phép hoạt động du lịch, lao động không được đào tạo nên thiếu kiến thức và kỹ năng về du lịch.
Tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng diễn ra còn phổ biến. Một số trang trại còn xả chất thải trực tiếp ra môi trường không thông qua hệ thống xử lý.
Một số hoạt động phi nông nghiệp kết hợp phát sinh như: Sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm; lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất; phát triển du lịch nhưng chưa có quy định cụ thể cho việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp và cho phép các trang trại được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp dẫn đến việc nhiều trang trại “lách luật” xây dựng các công trình “tạm bợ” vừa mất mỹ quan vừa hạn chế hiệu quả sử dụng.
Hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại nằm tản mạn ở nhiều văn bản nên gặp khó khăn trong việc triển khai và tiếp cận chính sách hỗ trợ trang trại.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được coi trọng dẫn đến nhiều chủ trang trại chưa thực hiện đầy đủ kê khai, báo cáo tình hình hoạt động và còn vi phạm về đất đai, xây dựng, môi trường. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và cơ quan chuyên ngành tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với trang trại, nhất là việc kiểm tra, hướng dẫn các trang trại nông nghiệp hoạt động kết hợp du lịch và phi nông nghiệp”, Ths. Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh.