Hướng đến mô hình sản xuất hữu cơ
Trong những năm gần đây, sản xuất và tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn và chất lượng đã trở thành “thương hiệu” ở nhiều địa phương. Nhận thức rõ xu hướng cấp thiết đó, TP. Cần Thơ đã sớm đưa ra những kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển vùng sản xuất giai đoạn 2020 - 2025.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP. Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cho biết: "Hiện, thành phố Cần Thơ đã khảo sát, định hướng quy hoạch sản xuất hữu cơ khoảng 4.000ha lúa, 1.300ha cây ăn quả và 150ha rau; nuôi trồng thủysản hữu cơ nằm trong ruộng lúa và vườn rau ăn trái. Ngành nông nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp để triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ và nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để làm nền tảng cho nông nghiệp hữu cơ. Điển hình là mô hình liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để trồng xoài Cát Lộc theo chuẩn hữu cơ và xuất khẩu".
“Hiện, Chính phủ cũng đã xây dựng nhiều chính sách để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều chính sách được thể hiện rất rõ trong Nghị định số 109/2018/NĐ-CP. Bên cạnh quan tâm thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ người dân nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ gắn với phát triển thị trường tiêu thụ; chú trọng xây dựng vùng nông nghiệp hữu cơ trọng điểm, tập trung khối lượng sản phẩm lớn, chủng loại phong phú, đa dạng, ông Nghiêm khẳng định.
Được biết, TP. Cần Thơ cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản an toàn, hỗ trợ, triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn như: Global GAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP…
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn của thành phố đạt 296ha, bao gồm 282,2ha theo tiêu chuẩn VietGAP và 13,8ha theo tiêu chuẩn BAP+ASC. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhiều cơ sở đã sản xuất giống nhân tạo thành công nhiều loài thủy sản bản địa có giá trị cao để phục vụ nuôi thương phẩm.
Ngành nông nghiệp thành phố cũng hỗ trợ người dân xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả như nuôi cá chạch, cá lóc, cá trê, cá rô, thát lát, lươn… theo hướng an toàn, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thức ăn tươi sống. Qua đó, góp phần chủ động nguồn thức ăn, hạn chế dịch bệnh, giảm nhẹ chi phí lao động và các tác động xấu đến môi trường nuôi; có điều kiện đẩy mạnh nuôi thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất và đa dạng hóa đối tượng nuôi.
Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cùng ngành Nông nghiệp các quận, huyện trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn kỹ thuật và tạo điều kiện cho nông dân tham quan các mô hình thực tế về sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cụ thể, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, để phát triển vùng canh tác hữu cơ tại TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch 114/KH-UBND thành phố, Chi cục đang tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về nông nghiệp hữu cơ và hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trình diễn để làm điểm nhân rộng.
Ðối với cây lúa, năm nay dự kiến tổ chức 14 lớp tập huấn và 14 mô hình trình diễn tại các quận, huyện. Tính đến tháng 9/2022, TP. Cần Thơ đã xuống giống gieo trồng 3 vụ lúa đạt diện tích 216.385ha, với sản lượng lúa cả năm nay ước đạt hơn 1,3 triệu tấn.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ cho biết: “Bên cạnh tăng cường các hoạt động tập huấn kỹ thuật, Chi cục cũng quan tâm hỗ trợ và thúc đẩy nông dân trong liên kết hợp tác với nhau và với các đơn vị, doanh nghiệp để phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Hướng dẫn nông dân tận dụng tốt các nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ, đặc biệt hướng dẫn kỹ thuật để nông dân có thể ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ lại cho cây lúa”.
Hỗ trợ kết nối cung - cầu
Để tạo thuận lợi cho kết nối đầu ra sản phẩm nông, lâm, thủy sản, ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ đã tích cực hỗ trợ nông dân liên kết thành lập các HTX nông nghiệp gắn với xây dựng mô hình cánh đồng lớn và các vùng chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn trái tập trung, có quy mô hàng hóa lớn, bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, tạo thuận lợi trong kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ.
Đến nay, thành phố đã có 104 HTX nông nghiệp. Nông dân tại các HTX quan tâm xây dựng mã số vùng trồng, thực hiện sản xuất các loại nông sản theo hướng an toàn, chất lượng cao, đạt theo VietGAP, Global GAP… Thông qua các HTX này, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm.
Mới đây, Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ đã phối hợp với Văn phòng điều phối Nông nghiệp Nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Bộ NN - PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch sinh thái tại TP. Cần Thơ”.
Tại diễn đàn, bên cạnh việc cung cấp các thông tin về cung - cầu sản phẩm và các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của các thị trường xuất khẩu, các bên liên quan cũng đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc để tăng cường liên kết với nhau trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong những năm tới, Thành phố cũng khuyến khích nông dân hình thành các HTX thủy sản, các mô hình sản xuất trang trại gắn với xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp, liên kết chặt với các địa phương trong vùng và cả nước để làm tốt hơn công tác tổ chức sản xuất, kết nối cung - cầu, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ… nhằm ổn định đầu ra sản phẩm.
Năm 2022, TP. Cần Thơ đã ký kết với Bộ NN-PTNT Chương trình phối hợp “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giữa TP. Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2022 - 2025”. Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ giữa TP. Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL; thúc đẩy giao thương giữa ĐBSCL và các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Chương trình đề ra một số chỉ tiêu cần đạt là: số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủysản an toàn của thành phố Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL tăng ít nhất 10%/năm; số chuỗi giá trị ngành hàng thực phẩm nông, lâm, thủy sản của ĐBSCL với các tỉnh, thành phố trong cả nước đạt chuẩn mực quốc tế ít nhất 5%/tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Với sự hỗ trợ, đồng hành từ Bộ NN - PTNT, TP. Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh xây dựng thêm nhiều chuỗi cung ứng nông, lâm, thủysản an toàn, giúp bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và góp phần khẳng định thương hiệu nông, lâm, thủy sản Việt Nam.
TP. Cần Thơ đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP phấn đấu tăng từ 5 -10%; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.
Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm dưới mức 3%/năm; 100% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.