Cần những đột phá từ chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái

Định hướng phát triển khu công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu thế tất yếu, tuy nhiên để phát triển bền vững và trở thành giá trị cốt lõi, định hướng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đòi các cấp quản lý phải có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới.
khu-cong-nghiep-sinh-thai-4-1725008230.jpg
Xây dựng một khu công nghiệp sinh thái cần đầu tư tài chính lớn. Thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi cho mô hình này.(Ảnh minh họa)

Xây dựng một khu công nghiệp sinh thái cần đầu tư tài chính lớn

Nhấn mạnh: “Xây dựng một khu công nghiệp sinh thái nghe có vẻ rất hấp dẫn và cảm giác như một hành động ‘giải cứu’ thế giới, nhưng trên thực tế đây là một công việc rất gian nan”. Về điều này, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc Điều hành Khu công nghiệp Deep C, cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay, Việt Nam đang phát triển rất nhanh song các quy định pháp luật lại chưa theo kịp tốc độ đó.

Theo ông Bruno Jaspaert, việc xây dựng một khu công nghiệp bền vững mất rất nhiều thời gian và công sức. Như tại Deep C, khi xây một cột điện gió cần phải xin giấy phép thi công lắp đặt và thời gian để có được là ba năm. Nguyên do, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt cột điện gió trong khu công nghiệp.

“Trong khi ở châu Âu, các cột điện gió được lắp đặt dọc đường cao tốc và trong các khu công nghiệp, nhưng ở Việt Nam để làm được điều này là không dễ dàng, do quy định pháp luật chưa theo kịp”, ông Bruno Jaspaert nói.

khu-cong-nghiep-sinh-thai-2-1725008291.jpg
Khu Công nghiệp Deep C Hải Phòng. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, ông Bruno Jaspaert chia sẻ nếu doanh nghiệp có một sáng kiến phát triển bền vững và muốn xin cơ quan Nhà nước cho phép thực hiện, sẽ cần nhiều cuộc trao đổi với các cấp quản lý để truyền tải ý tưởng, sau đó mới có thể nhận được sự đồng ý phê duyệt và cấp giấy phép triển khai.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều sáng kiến đưa ra song chưa thể làm được. Như, việc nhà máy xử lý nước thải có khả năng cung cấp nguồn nước tốt hơn cả nước thô, nhưng đến nay chưa thể đưa nguồn nước này quay trở lại quy trình sản xuất công nghiệp (mặc dù, các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp sẵn sàng tái sử dụng nguồn nước thải đã qua xử lý này).

Hơn thế nữa, xây dựng một khu công nghiệp sinh thái cần đầu tư tài chính lớn. Thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi cho mô hình này.

“Tôi hy vọng sau này tình hình sẽ khác đi. Sự khác nhau giữa đầu tư thông thường và đầu tư bền vững là vấn đề thời gian, để có được cùng một lượng doanh thu thì đầu tư bền vững sẽ cần nhiều thời gian hơn. Do đó, Chính phủ Việt Nam có thể cấp ưu đãi gia hạn thời gian dự án nhiều hơn so với quy định hiện nay. Điều này giúp cho các nhà đầu tư có thể có thời gian phân bổ chi phí khấu hao dài hơn”, ông Bruno Jaspaert nói.

Bên cạnh đó, ông Bruno Jaspaert cho rằng đầu tiên cần cải thiện hệ thống pháp lý. Thứ nữa là tăng cường đào tạo cho cán bộ quản lý kỹ thuật ở cấp tỉnh thành phố hiểu được các yêu cầu kỹ thuật của một khu công nghiệp sinh thái. Và, đề xuất khác là đã đến lúc công nhận và cho phép trong phạm vi khu công nghiệp được tái chế, tái xử lý nội bộ mà không cần xin giấy phép.

khu-cong-nghiep-sinh-thai-3-1725008338.jpg
Nhà máy xử lí nước thải tập trung nhìn trên cao tại Nam Cầu Kiền Hải Phòng.(Ảnh minh họa)

Theo quy hoạch, thành phố Hải Phòng sẽ có 34 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 13.000 ha. Đến nay, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết thành phố đã thành lập 14 khu công nghiệp với diện tích trên 6.000 ha, trong đó hai khu công nghiệp đã chuyển sang mô sinh thái Deep C đạt gần 90% các tiêu chí theo tiêu chuẩn toàn cầu và Nam Cầu Kiền đạt xấp xỉ 90% các tiêu chí trong khu vực.

“Hiện nay, số lượng các khu công nghiệp sinh thái đạt chuẩn toàn cầu và khu vực không nhiều. Hơn nữa, Việt Nam chưa có khu công nghiệp nào được công nhận là khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định số 35/2022 của Chính phủ”, ông Hải nói.

Vì thế, ông Bùi Ngọc Hải mong muốn vai trò đầu mối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh hệ thống pháp luật đồng bộ, để việc thực hiện chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái nhanh chóng, thuận tiện hơn đồng thời cần hướng tới thu hút đầu tư trung và dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ nên cân nhắc thành lập Quỹ đầu tư xanh và tín dụng xanh hỗ trợ cho các doanh và khu công nghiệp sinh thái.

Các khu công nghiệp cần có những giải pháp đột phá

Thế giới đang trong quá trình điều chỉnh hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi trật tự và cấu trúc về thương mại, đầu tư. Theo đó, bà Vương Thị Minh Hiếu, Vụ phó Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ ra các nhân tố tác động mạnh tới Việt Nam sẽ xoay trục địa chính trị trong chiến lược ngoại giao của các nước lớn, Cách mạng công nghiệp 4.0 (chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững), tái sắp xếp chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu (hình thành chuỗi cung ứng mới), gia tăng cạnh tranh khốc liệt về thu hút đầu tư (thiết kế chính sách riêng để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ lõi có giá trị gia tăng lớn hoặc nâng cao vị thế quốc gia).

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, những yếu tố này vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các khu công nghiệp cần có những giải pháp đột phá.

Thứ nhất là mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình khu công nghiệp mới. Cụ thể là tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Sillicon Việt Nam”.

Thứ hai là lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Đó là chủ động kiến tạo và tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển, trong đó dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...

khu-cong-nghiep-sinh-thai-1-1725008379.jpg
Phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu công nghệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa)

Thứ ba là thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên.

Thứ tư là phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.

Thứ năm là phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội và đảm bảo bền vững về môi trường. Thứ sáu là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Cuối cùng, thứ bảy là nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các khu công nghiệp, khu kinh tế các địa phương thông qua.

“Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình khu công nghiệp mới như khu công nghiệp sinh thái. Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật khu công nghiệp, khu kinh tế để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai trong thời gian tới”, bà Vương Thị Minh Hiếu nói./.

Bình Nguyên