Trong giai đoạn vừa qua, cùng với sự phát triển của kinh tê, ngành cơ khí đã có sự tăng trưởng vượt bậc, khi từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đồng thời hướng tới mục tiêu đến năm 2023, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.
Song, bức tranh gam màu xám tiếp tục là tông màu chủ đạo bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không phải ngoại lệ. Tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu dẫn tới hệ luỵ làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ đến hoạt động ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng.
Dù đã ghi nhận những kết quả tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cũng như triển vọng phục hồi và xu thế của nền kinh tế những tháng vừa qua, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, khó khăn, thách thức vẫn sẽ nhiều hơn thuận lợi, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục phải đón những luồng gió ngược của thế giới.
Hiện con số xuất nhập khẩu của ngành cơ khí lớn nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn. Trong khi đó, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế khi kỹ năng tìm kiếm khách hàng yếu, chưa có mặt hàng truyền thống, không có đại diện bán hàng theo khối và không liên kết chặt chẽ trong tìm kiếm khách hàng. Đặc biệt là ngại thay đổi quy mô sản xuất và hạn chế trong sử dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Công thương, dù dư địa thị trường của công nghiệp là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng những cơ hội đó, theo Bộ Công thương, doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường. Doanh nghiệp cần có các chứng chỉ về chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tuỳ theo từng ngành, sản phẩm cụ thể.
Mặt khác, doanh nghiệp cần sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, hài hoà tiêu chuẩn quốc tế. Chủ động tham gia các hội chợ xúc tiến xuất khẩu. Các Thương vụ sẽ đồng hành, phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm cơ khí tiếp cận thuận lợi thị trường.