Cần gói giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp

Trong bối cảnh xuất khẩu đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn đối diện nhiều khó khăn, việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh là điều cần phải làm ở nhiều cấp…
det-may-1706368475.jpeg
Cần gói giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Được xác định là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong cả giai đoạn vừa qua, nhưng năm 2023, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là nửa đầu năm, với mức giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch của hầu hết mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm. Khó chồng khó, hàng hóa xuất khẩu của nước ta còn bị tác động bởi những rủi ro từ thị trường và các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng ở nhiều thị trường lớn.

Tuy nhiên, dù không đạt hoặc vượt được con số kỷ lục hơn 730 tỷ USD của năm 2022, nhưng kết quả xuất nhập khẩu năm qua vẫn có những điểm nhấn ấn tượng với một số nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trưởng từ 1 tỷ USD trở lên gồm: rau quả; gạo; phương tiện vận tải và phụ tùng. Tính chung hoạt động xuất khẩu của cả nước, năm 2023 đạt kim ngạch 354,67 tỷ USD, giảm 4,6% (tương ứng giảm 17,04 tỷ USD) so với năm trước.

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023 đạt 326,37 tỷ USD, giảm 9,2% (tương ứng giảm 33,20 tỷ USD) so với năm 2022.

Năm 2023, có tới 42/53 nhóm hàng chủ lực giảm so với năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là điện thoại các loại và linh kiện khi chỉ đạt 8,75 tỷ USD, giảm tới 12,38 tỷ USD (tương ứng giảm 58,5%).

Chia sẻ về vấn đề này, tại Diễn đàn thường niên lần thứ 16 “Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024” mới đây, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm 2023 thực sự là một năm rất khó khăn với cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục (gần 159,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng tốc độ thành lập mới doanh nghiệp lại thấp so với nhiều năm gần đây.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng trầm lắng, xuất khẩu giảm, nhất là với nhiều ngành có vai trò của doanh nghiệp tư nhân rất lớn. Vì vậy, trong năm 2024, theo ông Tuấn, một trong những định hướng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ là phải chú trọng giải bài toán này, làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.

mr-dau-anh-tuan-1706368505.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, những giải pháp giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để. Cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.

Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn. Ngoài ra, những chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông Tuấn khuyến nghị cần một không khí mới cho quá trình phát triển, cho quá trình tăng tốc năm 2024. Bởi nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao.

Nhấn mạnh vấn đề thể chế, chính sách, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…

Ngoài ra, cần sớm có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn. Bên cạnh đó, cơ chế thí điểm sandbox được chuẩn bị lâu quá. Bây giờ muốn phát triển khoa học công nghệ, muốn thử cái mới, muốn phát triển mô hình mới phải có cơ chế thử nghiệm để làm.

Với doanh nghiệp, chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần đưa ra các kiến nghị đúng, trúng và kiên trì. Cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá. Cùng với việc chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ cần đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung. Chủ động sản xuất xanh và kinh doanh tuần hoàn cũng như thực thi chiến lược chuyển đổi số. Đồng thời tận dụng cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Nhật cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác Việt - Trung…/.

Hương Lan