Theo Vụ Thị trường Âu - Mỹ, năm 2023, trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, những mặt hàng rau quả vẫn là điểm sáng trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều tiềm năng lớn, song xuất khẩu nông sản đang đối mặt với nhiều thách thức khi các quốc gia nhập khẩu hàng hoá đều điều chỉnh khung pháp lý với hàng loạt các luật và quy định mới.
Do đó, để cải thiện khả năng thâm nhập vào các hệ thống phân phối quốc tế, ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp thực tiễn và hội nhập. Đầu tư nguồn lực và cơ chế huy động nguồn lực cho đào tạo quản lý, giám sát, hướng dẫn hỗ trợ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm ở các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và kết nối tiêu thụ trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật qui định, thông tin phân tích thị trường, thị hiếu tiêu dùng để phát triển sản phẩm phù hợp. Triển khai các đề án phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống logistics theo chuỗi cung ứng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản. Đồng thời, đổi mới hoạt động truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm theo chiến lược dài hạn.
Đồng thời, các sản phẩm cần đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững, truy xuất được nguồn gốc, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đạt được tiêu chuẩn này sẽ mất cơ hội tham gia vào chuỗi phân phối quy mô lớn.