ASEAN được coi là một thị trường tiêu dùng hấp dẫn, với sự tham gia đa dạng của người tiêu dùng; các doanh nghiệp; nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Do đó, những chính sách, luật về bảo vệ người tiêu dùng sẽ có tác động mạnh mẽ và thiết thực đến cuộc sống hàng ngày của công dân các nước ASEAN.
Bảo vệ người tiêu dùng của ASEAN
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu trong đó có các nước ASEAN, cụ thể: đại dịch đã gây thiệt hại đến 3.3% GDP của ASEAN khi hầu hết các nước thành viên bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, đầu từ trực tiếp nước ngoài vào khu vực suy giảm 24.6% so với trước đại dịch và nhiều ngành, lĩnh vực bị suy giảm nghiêm trọng. Dự báo năm 2022, là một năm lạc quan cho phát triển kinh tế với mức tăng trưởng kinh tế khu vực ước tính là 5%. Cùng với đó, mục tiêu hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết cao, năng động, sáng tạo và cạnh tranh, hòa nhập, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm.
Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ.
Hơn nữa, các nước ASEAN đẩy mạnh công tác thực thi luật cạnh tranh và chính sách cạnh tranh hiệu quả sẽ là nền tảng để đảm bảo việc duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế, là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - thương mại và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như khu vực ASEAN. Ngoài ra, môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thông qua việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận với nguồn hàng hóa dồi dào hơn với chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý mà còn là chìa khóa dẫn đến đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Dễ nhận thấy, với những hạn chế trong việc di chuyển do đại dịch gây ra, các doanh nghiệp đã dần chuyển dịch từ phương thức bán hàng trực tiếp truyền thống sang các phương thức bán hàng trực tuyến. Doanh nghiệp đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các nền tảng truyền thông xã hội, website, ứng dụng công nghệ để sản phẩm, thực hiện các giao dịch và tương tác với khách hàng thông qua phương thức trực tuyến. Thương mại điện tử và giao dịch trực tuyến cũng cho phép các doanh nghiệp tiếp cận với những thị trường rộng lớn hơn; thông qua đó củng cố sức mạnh hoặc vị trí thống lĩnh trên thị trường.
Bởi vậy, Mục tiêu của Ủy ban ASEAN về bảo vệ người tiêu dùng (ACCP) giai đoạn đến năm 2025 cụ thể là:
Thiết lập một khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng của ASEAN thông qua mức độ cao hơn của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường việc thực thi và giám sát của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng các cơ chế bồi thường bao gồm các phương thức giải quyết tranh chấp.
Thúc đẩy một mức độ cao hơn về quyền và kiến thức của người tiêu dùng bằng việc cung cấp, chia sẻ thông tin và tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Xây dựng sự tin tưởng cao hơn cho người tiêu dùng và các giao dịch thương mại xuyên biên giới bằng việc tăng cường thực thi an toàn sản phẩm, sự tham gia mạnh mẽ hơn của đại diện người tiêu dùng và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Khuyến khích các vấn đề liên quan đến người tiêu dùng trong chính sách của ASEAN thông qua đánh giá các tác động của chính sách bảo vệ người tiêu dùng và phát triển các chính sách dựa trên tri thức. Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ như tài chính, thương mại điện tử, vận tải hàng không, năng lượng và viễn thông.
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát cho thấy, phát triển thị trường trong nước, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại; trong phát triển các chương trình thương mại nội địa như Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Những chương trình này đã xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa mà ở đó, sự kết nối giữa các bộ, ngành trung ương với chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường, ngay cả trong tình huống có nhiều địa phương cùng lúc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam.
Đồng thời, triển khai đồng thời các hoạt động như đơn giản hóa thủ tục hành chính; Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thông qua ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bằng các kênh phân phối hiện đại, kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm trong nước và nước ngoài; hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng tin cậy, phù hợp với các cam kết quốc tế và các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam.
Song song với đó, cần triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và quá trình toàn cầu hóa. Các quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhiều văn bản quy định liên quan nhưng chưa thực thi có hiệu quả, chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử phạt, bồi thường thỏa đáng cho người tiêu dùng. Đặc biệt, từng bước đưa pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính./.