Lợi nhuận trong ba tháng kết thúc vào ngày 31/10/2021 của ba trong số sáu ngân hàng lớn nhất Canada (Big Six) là National Bank of Canada, Royal Bank, Bank of Montreal, CIBC, Scotiabank và Toronto Dominion Bank không được như dự báo của các nhà phân tích. Trong khi đó, ba ngân hàng còn lại trong Top 6 này có mức lợi nhuận vượt kỳ vọng, chủ yếu nhờ thu hồi tiền từ các khoản dự phòng các khoản cho vay có thể bị mất. Nhìn chung, doanh thu của các ngân hàng cũng chững lại so với ba tháng trước đó, trong khi biên lợi nhuận cho vay thu hẹp.
Theo thống kê, tổng lợi nhuận của Big Six đạt 14,6 tỷ CAD (11,3 tỷ USD) trong ba tháng nói trên, tăng mạnh nếu so với mức đáy vào năm 2020. Tuy nhiên, các nguồn thu chủ chốt như doanh thu từ giao dịch trên thị trường vốn và phí quản lý tài sản đã trở nên "khiêm tốn" hơn. Đáng chú ý, sức tăng trưởng của hoạt động cho vay mới, động cơ cốt lõi thúc đẩy doanh thu của các ngân hàng, vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.
Trong bối cảnh doanh thu chững lại, chi phí tại một số ngân hàng lại có xu hướng tăng mạnh. Chi phí của CIBC đã tăng 13% so với một năm trước đó, do tiền lương và tiền thưởng của nhân viên tăng lên và ngân hàng đã chi tiền để nâng cấp công nghệ và cải tạo chi nhánh bán lẻ. Các ngân hàng đều có các đòn bẩy để kiểm soát chi tiêu, nhưng có những yếu tố khác làm tăng chi phí nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ngân hàng nào, chẳng hạn như lạm phát leo thang.
Hiện nay, lãnh đạo các ngân hàng vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh trong năm 2022 trên cơ sở của hai "chất xúc tác".
Thứ nhất, thị trường nhận định các ngân hàng trung ương ở Canada và Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản từ mức siêu thấp hiện tại vào năm tới. Động thái này sẽ làm tăng lợi nhuận mà các ngân hàng kiếm được từ các khoản cho vay. Theo Giám đốc điều hành RBC, Dave McKay, mức lãi suất chạm đáy đã làm giảm thu nhập của RBC khoảng 1 tỷ CAD/năm trong hai năm qua.
Thứ hai, người tiêu dùng và các doanh nghiệp vẫn đang nắm giữ một lượng tiền gửi và tiết kiệm khổng lồ dự kiến sẽ được chi tiêu hoặc đầu tư.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron, cũng như các vấn đề tồn tại dai dẳng trong chuỗi cung ứng, đi cùng tình trạng thiếu hụt lao động, đang làm lu mờ cơ hội phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Canada.