Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng.
photo1637306844386-1637306844559487480307-1637326803.jpeg
Ảnh minh họa

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực. Các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiết kiệm), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị). Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số và ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số. TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bối cảnh đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức đòi hỏi cần có sự chuyển đổi để bắt kịp và thích ứng với bối cảnh mới.

Tại Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Thời gian qua cho thấy, ngành ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số đã thu được nhiều kết quả tích cực, với sự tham gia của cộng đồng các ngân hàng, cũng như là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Hiển, còn nhiều vấn đề cần đặt ra như: việc hoàn thiện thể chế, chính sách không chỉ tập trung hoàn thiện trong lĩnh vực thanh toán như thời gian vừa qua mà cần hoàn thiện chính sách cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số cũng như tạo ra môi trường vừa cạnh tranh.

Đồng thời, hợp tác cùng phát triển giữa các ngân hàng thương mại với các công ty FINTECH và các doanh nghiệp công nghệ lớn. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cho chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như là thúc đẩy cho phát triển ngân hàng thông minh nói riêng.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho hay, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi nhận thức; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số. Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác.

“Đặc biệt, phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp và đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng”, Phó Thống đốc nói./.