Thời gian qua, thiên tai đã để lại những thiệt hại to lớn cho nền sản xuất, tạo ra vô số khó khăn trong quá trình tổ chức sản xuất. Đặc biệt, với tác động ngày một rõ rệt của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ ngập úng, xâm nhập mặn gia tăng... làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất.
Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp địa phương đã và sẽ tiếp tục tiến hành chuyển đổi loại hình sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với điều kiện từng địa phương. Đặc biệt, tiến hành quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, đến đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ giống, cơ giới hóa… đáp ứng cho sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cũng xác định, việc chuyển đổi theo hướng nào là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi tính thực chất, lấy nhu cầu thị trường làm định hướng cho sự phát triển. Từ đó, hạn chế tối đa việc bị động trong sản xuất nông nghiệp, và quan trọng nhất là xây dựng được các chuỗi giá trị trong sản xuất và kết nối với thị trường trong và ngoài nước.
Các thành phần trong chuỗi giá trị nông sản cần có sức đề kháng cao trước tác động của cả biến đổi khí hậu, yếu tố dịch bệnh và cả thị trường. Mục tiêu của tỉnh đặt ra trong thời gian tới là sản xuất theo hướng chất lượng, xây dựng thương hiệu gắn kết với thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sinh thái…
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, tỉnh Cà Mau đã chuyển đổi được trên 1.249 ha, đạt 78,36% chỉ tiêu. Trong số đó chuyển sang trồng cây lâu năm (chuối, tràm, keo lai, dừa) 113 ha, đạt 56% chỉ tiêu được giao; chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm kết hợp trồng lúa) là trên 1.136 ha, đạt 97,53% chỉ tiêu được giao.
Qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, lâu năm, nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, có lợi nhuận từ 22 triệu đồng đến hơn 50 triệu đồng/ha so với sản xuất 1 vụ lúa.
Qua thực tế triển khai tại các huyện như U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau… thì để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả hơn nữa, các địa phương này kiến nghị tỉnh cần đầu tư hệ thống thủy lợi, tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho nông dân vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; cần thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2022 theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đề nghị các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau rà soát, đối chiếu lại vùng đất trồng lúa kém hiệu quả của địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đúng quy định của pháp luật; tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của tỉnh Cà Mau.
Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả và kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún để tạo ra vùng sản xuất lớn, tạo nguồn sản phẩm phục vụ thị trường, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đặc biệt không bị xâm nhập mặn vào vùng sản xuất lân cận; không làm hư hỏng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất, nhất là phải có sự đồng thuận của người dân tại địa phương… góp phần nâng cao năng suất trong sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập và đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022./.