Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP với mục tiêu: phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sản phẩm; công nhận ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP năm 2020 từ 3 sao lên 4 sao và có 94 sản phẩm của 66 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến càng phức tạp, đến thời điểm cuối tháng 8, qua rà soát các địa phương chỉ đăng ký 46 sản phẩm/27 chủ thể; trong đó, kết quả đợt 1 có 18 sản phẩm của 11 chủ thể, số còn lại tham gia đánh giá trong đợt 2.
Do đó, để hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch Hội đồng tổ chức cuộc họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi phiếu chấm điểm và hồ sơ có liên quan để thành viên Hội đồng nghiên cứu, chấm điểm độc lập vòng 2 cho 18 sản phẩm của 11 chủ thể thuộc 8 đơn vị cấp huyện. Kết quả, sản phẩm có điểm cao nhất là 64 điểm, thấp nhất là 54 điểm; có 3 sản phẩm từ mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên.
18 sản phẩm của đợt này cơ bản đủ điều kiện đạt 3 sao theo quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP cụ thể, gồm: nước mắm Mạch Long 40 độ đạm, nước mắm Mạch Long 50 độ đạm, nước mắm Mạch Long loại 3, nước mắm Mạch Long loại 1, nước mắm Mạch Long loại 2, dưa bồn bồn Minh Duy (Cái Nước); gạo sinh thái Từ Tâm (Thới Bình); trà xạ đen túi lọc Hùng Khánh, cá khô bổi Ba Đức (Trần Văn Thời); dép nam làm từ da cá sấu, thắt lưng làm từ da cá sấu, ví nam làm từ da cá sấu, mắm cá mào gà, mắm ruốc xào (Đầm Dơi); chuối xiêm sấy dẻo Minh Quân (U Minh); nước mắm Ngọc Trân (Phú Tân); bánh phồng tôm (Năm Căn); đũa đước (Ngọc Hiển).
Tại cuộc họp, thành viên Hội đồng cho rằng, sau khi được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, các chủ thể cần có sự đầu tư trong khâu thiết kế và trình bày bao bì,mẫu mã sản phẩm; truy xuất nguồn gốc phải đầy đủ thông tin hơn; đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Chủ thể mở rộng quy mô sản xuất xứng tầm với sản phẩm đạt chuẩn OCOP; quan tâm đến mở rộng vùng nguyên liệu đẩy mạnh tiêu thụ, nhất là tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay…
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều đánh giá cao tinh thần làm việc của Tổ tư vấn và thành viên Hội đồng trong việc chấm điểm các tiêu chí sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2021. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển "Mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh; quan tâm hỗ trợ các chủ thể xây dựng các tiêu chí của sản phẩm OCOP…
Đối với các địa phương chưa có sản phẩm OCOP trong đợt 1 nên cố gắng hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm trong đợt 2. Đồng thời, tích cực hơn nữa trong việc tham gia xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử và các tỉnh, thành lớn trong cả nước; tập trung phát triển vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP gắn với các ngành hàng chủ lực của tỉnh; có giải pháp chấm điểm, kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, nhất là nâng sao cho các sản phẩm đã đạt được.
Sau khoảng 2 năm thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, tỉnh Cà Mau đã có tổng số 51 sản phẩm OCOP đã công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao; trong đó có 33 sản phẩm OCOP của 24 chủ thể đã được công nhận trong năm 2020. Tỉnh Cà Mau cũng đặt mục tiêu sẽ có thêm 19 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao vào cuối năm 2021./.