Bộ Xây dựng đề xuất bỏ quy định sở nhà hữu chung cư có thời hạn

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, cơ quan này cho biết báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật đều đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Theo đó, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng nhận thấy, đây là vấn đề nhạy cảm, có tác động lớn đến xã hội và còn những ý kiến chưa thống nhất. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (bỏ các Điều 25, 26 quy định về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; xử lý nhà chung cư khi chung cư bị phá dỡ).

Bộ Xây dựng đề xuất, trong dự thảo Luật sẽ bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.

chung-cu-1681201529.jpg
Ảnh minh họa.

Trước đó, nội dung về sở hữu nhà chung cư, thời hạn sở hữu nhà chung cư do cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng) đưa ra 02 phương án: Phương án 1 bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư; Phương án 2 không quy định về sở hữu nhà chung cư. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã quyết định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu chung cư có thời hạn trong dự thảo luật.

Hôm nay, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản có nhiều vấn đề "nóng" phải tiếp tục từng bước giải quyết.

Thủ tướng yêu cầu trước khi trình và các luật có hiệu lực, nếu thấy các vấn đề nổi lên thì tiếp tục tập hợp, xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền theo quy định để khẩn trương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Theo Thủ tướng, nhiều nội dung của các luật còn những điểm vướng mắc, cho nên chúng ta phải tích cực rà soát, sửa đổi.

"Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, chúng ta phải hết sức lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, giải trình đảm bảo chất lượng, tiến độ. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần được khuyến khích phát triển. Dự kiến Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vào tháng 5 tới đây./.

Tháng 3, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó đề xuất phương án quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không tán thành với đề xuất này.

Chiều 17/3, phát biểu kết luận phiên họp cho ý kiến về dự án Luật nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, hồ sơ, thủ tục, quy trình chuẩn bị dự án Luật đúng quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, qua đó Chính phủ tiếp thu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

"Để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, ý kiến các cơ quan tổ chức, nhân dân, trong đó lưu ý không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy nhiên cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định, có trách nhiệm trong việc tổ chức di dời, sửa chữa, cải tạo với các nhà chung cư không còn an toàn để đảm bảo sức khỏe, an toàn của người dân", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khắc Định lưu ý, nếu Chính phủ có phương án khác thì cần trình hai phương án, nêu rõ ưu điểm, nhược điểm, trình bày một cách toàn diện, lập luận rõ ràng làm cơ sở để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định.

Ánh Dương (t/h)