Trong chương trình "This Week" của ABC, bà Yellen nói: "Dự đoán hiện tại chúng tôi là một ngày vào tháng 6 tới chúng ta sẽ không thể thanh toán các hóa đơn của mình trừ khi Quốc hội tăng trần nợ. Đây là điều tôi cực kỳ thúc giục Quốc hội thực hiện".
Vị quan chức cho biết Mỹ đã và đang sử dụng “các biện pháp bất thường” để tránh vỡ nợ và không thể tiếp tục làm như thế. Bà cho biết Quốc hội cần hành động “để tránh gây ra thảm họa kinh tế”. “Ai cũng đồng tình rằng sự hỗn loạn về tài chính và kinh tế sẽ diễn ra”, bà Yellen cho biết.
Các nhà làm luật đang tìm cách để nâng hoặc đình chỉ trần nợ, từ đó chó phép Mỹ thanh toán nợ đúng hạn. Tuy vậy, họ đang rơi vào thế bế tắc, qua đó làm gia tăng khả năng vỡ nợ.
"Mọi người đều nhất trí rằng sự hỗn loạn kinh tế và tài chính sẽ xảy ra", bà Yellen nói. Trước đó, bà cũng đã kêu gọi hành động quyết đoán và nhanh chóng về vấn đề này.
Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen cho biết dữ liệu mới về biên lai thuế đã buộc Bộ Tài chính phải điều chỉnh ước tính về thời điểm Bộ này "sẽ không thể tiếp tục đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của chính phủ". Thời điểm đó có khả năng sớm nhất là vào ngày 1/6. Ngày này sớm hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế Phố Wall.
Các học giả và chuyên gia kinh tế đang bất đồng về một đề xuất mới, trong đó cho rằng chính quyền ông Biden có thể phát hành thêm nợ bằng cách trích dẫn một điều khoản của Hiến pháp Mỹ.
Theo Bloomberg, điều khoản nói trên nêu rằng “không ai được nghi ngờ” tính hợp lệ của các khoản nợ công tại Mỹ. Bà Yellen từ chối trả lời liệu ông Biden có thể sử dụng phương án đó, hết lần này đến lần khác bà nhấn mạnh rằng Quốc hội cần phải nâng trần nợ.
“Tôi muốn nói rằng nhiệm vụ của Quốc hội là giải quyết bế tắc này. Nếu họ không hành động, chúng ta sẽ gặp phải một thảm hoạ kinh tế và tài chính do chính chúng ta gây ra. Tổng thống Biden cũng như Bộ Tài chính Mỹ không thể thực hiện bất kỳ bước đi nào để ngăn chặn thảm họa đó”, bà Yellen cảnh báo.
Reuters cho hay, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Quốc hội nâng trần nợ không kèm điều kiện. Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát tháng trước đã thông qua dự luật nâng trần nợ từ mức 31.400 tỷ USD, với điều kiện cắt giảm mạnh chi tiêu trong thập kỷ tới, điều mà ông Biden và các nghị sỹ đảng Dân chủ phản đối.
Theo kế hoạch, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mitch McConnell và các nghị sỹ hàng đầu đảng Dân chủ tại Quốc hội tại Nhà Trắng vào ngày 8/5 để thảo luận về vấn đề trên.
Hiện, trần nợ của Mỹ tương đương gần 120% GDP. Nợ chạm trần vào tháng 1/2023 và Bộ Tài chính đã thực hiện các nghĩa vụ thanh toán trong phạm vi trần nợ, nhưng vào tháng Bảy hoặc tháng Tám tới có thể phải dừng việc vay mượn.
Giới phân tích nhận định bất đồng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ về mức trần nợ công có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào suy thoái, khiến 7,5 triệu người mất việc làm.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công toàn cầu đang cao hơn và tăng nhanh hơn dự báo trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chủ yếu do tăng nợ công ở Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, từ đó kéo theo tình trạng vỡ nợ quốc gia tăng cao.
"Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ đều được dự đoán sẽ chứng kiến tỷ lệ nợ công tăng vượt quá 5 điểm phần trăm GDP trong giai đoạn 2023 đến 2028. Trong đó hai nền kinh tế lớn nhất đóng góp nhiều nhất vào mức tăng này", ông Vitor Gaspar, Giám đốc Tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết vào trung tuần tháng 4.