Bộ Tài chính kiểm tra, giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao cho Bộ Tài chính kiểm tra, giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam. Trước đó, ngày 21/3/2022, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị dừng thực hiện công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế. 
4247-xuat-khau-san1-1651030813.jpg
Tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn. Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Hiệp hội Sắn Việt Nam).

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, ngành sắn đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn và có nguy cơ sụp đổ toàn ngành khi Tổng cục Thuế có Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn.

Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn. Trong khi pháp luật hiện hành về hoàn thuế giá trị gia tăng không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn, đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.

Do đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng thực hiện công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế về việc hoàn thuế giá trị gia tăng với mặt hàng tinh bột sắn.

Để giải quyết vấn đề trên, ngày 25/4/2022, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2612/VPCP-KTTH. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính kiểm tra, giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam tại văn bản nêu trên theo quy định pháp luật và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại công văn số 689/VPCP-KTTH ngày 27/01/2022.

Sắn là 1 trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 1,35 tỉ USD với sự tham gia của 1,2 triệu lao động. Diện tích cây sắn trên cả nước khoảng 530.000 ha, chủ yếu ở vùng trung du, miền núi.

Tạ Nhị