Bộ Tài chính ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025

Bộ trưởng Bộ Tài chính (BTC) vừa ký quyết định số 1484/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có hiệu lực kể từ ngày 27/7/2022.

Kế hoạch chuyển đổi số của BTC nêu rõ mục tiêu tổng quát là chuyển đổi số gắn với xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Bên cạnh đó, BTC chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của CMCN 4.0, kế thừa kết quả triển khai Chính phủ điện tử để từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành Tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính số, tham gia tích cực vào sự phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Năm 2022 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Tài chính điện tử và phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Đến năm 2030, hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin.

chuyen-doi-so-la-gi-1659488997.png
Ảnh minh họa

Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Công chức, viên chức được đào tạo, cập nhật kỹ năng số nhằm tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính; 100% bộ phận “một cửa” được ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính; 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn áp dụng quy định về hóa đơn điện tử…

Công tác chuyển đổi số của ngành tài chính sẽ đảm bảo để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp; phản ánh những vấn đề xã hội tới các cơ quan nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia của mình. Doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển những dịch vụ mới, sáng tạo, giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của BTC. Đồng thời, BTC, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác cùng tham gia phổ cập việc sử dụng dịch vụ công nói riêng, chuyển đổi số nói chung.

Ở nội dung này, BTC đặt ra chỉ tiêu 100% các đơn vị tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tối thiểu 50% dịch vụ công mới có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chứ ngoài nhà nước…

Để đạt được các mục tiêu này, BTC sẽ tập trung tuyên truyền các chính sách để nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; tái thiết quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong ngành…

Muốn vậy, BTC một mặt phát triển hạ tầng số thông qua việc triển khai vận hành hạ tầng mạng truyền thông ổn định, an toàn, thông suốt; triển khai hệ thống đám mây tại Bộ và các Tổng cục. Đồng thời, phát triển các nền tảng, hệ thống; phát triển dữ liệu; phát triển ứng dụng, dịch vụ số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Anh Vân (t/h)