Theo đó, Dự thảo quy định về phương thức thể hiện, vị trí ghi nhãn điện tử; các nội dung bắt buộc được thể hiện theo phương thức điện tử; trách nhiệm thông báo nhãn hàng hoá đến cơ quan quản lý trước khi đưa hàng hoá ra lưu thông.
Cụ thể, nội dung ghi nhãn điện tử được thể hiện trên website có chỉ dẫn cụ thể thông tin đường dẫn trên nhãn hàng hoá gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá. Thể hiện trên mã quét, mã QR có gắn trực tiếp trên hàng hoá hoặc thương phẩm của hàng hoá.
Vị trí thể hiện ghi nhãn bằng phương thức điện tử phải được gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa, có thể đọc được dễ dàng bằng mắt thường và thiết bị phù hợp.
Ngôn ngữ trình bày nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử phải được ghi bằng tiếng Việt bao gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định 43/2017/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Đối với một số nội dung bắt buộc theo tính chất của một số nhóm hàng hoá đã quy định như: Nhóm hàng hoá trang thiết bị y tế bắt buộc thể hiện các nội dung về hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, cở sở bảo hành; nhóm trang thiết bị bưu chính, viễn thông công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng; nhóm máy móc, trang thiết bị đo lường, thử nghiệm phải bắt buộc thể hiện thông số kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và một số nhóm hàng khác.
Các tổ chức, cá nhân tự công bố phương thức và nội dung được ghi nhãn điện tử, thông báo đến cơ quan quản lý nhãn hàng hoá trước khi đưa hàng hoá ra lưu thông. Trường hợp có thay đổi nội dung ghi nhãn hàng hoá thì phải cập nhập thông tin và thông báo đến cơ quan quản lý. Trường hợp sử dụng mã số và mã vạch thì phải được kết nối từ cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia, quốc tế.
Các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm đảm bảo các phương tiện điện tử được sử dụng như đường link, mã quét, mã QR là trung thực, chính xác, phải tra cứu được.
Trên thực tế, việc ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Việc bổ sung nội dung cho phép thể hiện một số ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử sẽ tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh và quản lý, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.