Bộ Công thương lấy ý kiến doanh nghiệp về việc nâng cấp Hiệp định Atiga

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN họp lần thứ 28 (AEMR28) diễn ra ngày 26/3/2022, các nước ASEAN đã thống nhất chính thức khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối và phát triển các chuỗi cung ứng khu vực. Do đó, Bộ Công thương cung cấp thông tin liên quan về việc việc nâng cấp Hiệp định cho doanh nghiệp.
hiep-dinh-atiga-1651208528.jpg
Ảnh minh họa (Ảnh: Luật Dương Gia)

Tương tự như các hiệp định thương mại tự do khác, Hiệp định ATIGA quy định việc rà soát Hiệp định hai năm một lần nhằm điều chỉnh các quy định hiện hành và bổ sung các quy định mới cho phù hợp hơn với những thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, các nước ASEAN đã thống nhất nâng cấp Hiệp định ATIGA để giúp ASEAN có thể đối phó với những thách thức này, củng cố chuỗi cung ứng khu vực, góp phần vào phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Mục tiêu chính của việc nâng cấp Hiệp định ATIGA là nhằm giảm bớt các rào cản thương mại trong khu vực, tăng cường tạo thuận lợi thương mại nhằm thúc đẩy việc lưu chuyển hàng hóa tự do hơn nữa trong nội khối, nâng cao khả năng khai thác Hiệp định của các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo rằng Hiệp định này vẫn có ý nghĩa, hướng tới tương lai và giúp ASEAN có thể ứng phó tốt hơn với không chỉ các khó khăn trong hiện tại mà còn với cả các thách thức trong tương lai.

Tại Hội nghị AEMR28, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thống nhất các nguyên tắc chính trong nâng cấp Hiệp định ATIGA như sau: Việc nâng cấp Hiệp định ATIGA cần bổ sung các quy định nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, tăng cường minh bạch hóa chính sách nhằm đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn giữa các nước ASEAN, tạo điều kiện phát triển các chuỗi cung ứng, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế trước mọi thách thức trong tương lai.

Phạm vi đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA sẽ không chỉ gồm những vấn đề thương mại hàng hóa truyền thống mà cần bao gồm cả những vấn đề mới nổi nhằm đảm bảo Hiệp định ATIGA sẽ trở thành một hiệp định hiện đại, hướng tới tương lai, đáp ứng tình hình mới của khu vực và toàn cầu, tuy nhiên cần cân nhắc sự chênh lệch về trình độ phát triển và mức độ sẵn sàng thực hiện các cam kết mới của các thành viên ASEAN.

Dự thảo Danh mục đàm phán đính kèm Tài liệu Nguyên tắc đàm phán chỉ mang tính định hướng, không phản án nội dung đàm phán thực tế và kết quả đàm phán, đồng thời có thể được bổ sung hoặc rút gọn trong quá trình đàm phán trên cơ sở đồng thuận của tất cả các bên.

Dự kiến những nội dung sẽ được đưa vào đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA bao gồm những nghĩa vụ cơ bản của một hiệp định thương mại hàng hóa như sau:

Đối xử quốc gia và Mở cửa thị trường hàng hóa: gồm các quy định về cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu (mặc dù hiện nay xấp xỉ 99% số dòng thuế nhập khẩu đã được các nước ASEAN xóa bỏ trong thương mại nội khối, tuy nhiên các nước vẫn có thể tiếp tục đàm phán xóa bỏ thêm thuế nhập khẩu nếu có nhu cầu), đối xử Tối huệ quốc (MFN) tự động, các quy tắc đối với các biện pháp phi thuế quan (VD: cấp phép nhập khẩu, hạn chế số lượng xuất khẩu, nhập khẩu), thúc đẩy lưu thông hàng hóa thiết yếu trong thời gian khủng hoảng.

Quy tắc xuất xứ: xây dựng quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ đơn giản, thân thiện với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho thương mại; quy định về tự chứng nhận xuất xứ.

Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại: hiện đại hóa, hài hòa hóa, tiêu chuẩn hóa (trong phạm vi có thể) và đơn giản hóa các thủ tục hải quan; thủ tục xác định trước; giao dịch không giấy tờ liên quan đến thủ tục hải quan; thủ tục hải quan đối với hàng chuyển phát nhanh.

Phòng vệ thương mại: tăng cường nghĩa vụ thông báo và minh bạch thủ tục trong nước về áp dụng biện pháp tự vệ; chia sẻ thực tiễn tốt về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Các biện pháp vệ sinh kiểm dịch: điều chỉnh các quy định về các biện pháp vệ sinh kiểm dịch theo các chuẩn mực trong các hiệp định FTA mới ký kết (VD: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực - RCEP) và các chính sách khác liên quan đến SPS trong khuôn khổ ASEAN; khu vực hóa vùng dịch bệnh; công nhận tương đương.

Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Quy trình đánh giá sự phù hợp: xem xét nâng cấp một số quy định dựa trên cơ sở các thông lệ được các thành viên WTO thống nhất áp dụng.

Ngoài ra, các nước ASEAN dự kiến bổ sung những nội dung sau trong đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA: Thương mại và môi trường: nhằm tái khẳng định các nghĩa vụ đã cam kết trong các hiệp định môi trường đa phương mà các nước ASEAN là thành viên, đảm bảo tự do hóa thương mại không gây tổn hại đến bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời bảo lưu quyền ban hành chính sách về môi trường tùy theo luật và quy định của từng nước; Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME): hỗ trợ MSME tận dụng các cơ hội từ Hiệp định ATIGA, tạo điều kiện cho MSME tiếp cận thị trường và tiếp cận thông tin.

Những phương án đàm phán sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh với đối tác ASEAN, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thông tin và đóng góp ý kiến về những nội dung trên và tích cực trao đổi các thông tin liên quan khác về hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh với các nước ASEAN. Qua đó Bộ Công thương có căn cứ xây dựng phương án đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tạ Nhị (t/h)