Bộ Công Thương công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022

Nhằm đưa thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và cung cấp những thông tin chính thống về hoạt động xuất nhập khẩu như thị trường, mặt hàng, các hiệp định thương mại tự do… Bộ Công Thương công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 vào chiều ngày 27/4/2023. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản ấn phẩm này.

Hoạt động ngoại thương đóng vai trò quan trọng nền kinh tế nước ta những năm qua. Do đó, những thông tin rõ ràng, có hệ thống và minh bạch là vấn đề được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách rất quan tâm và được đặt ra trong những năm gần đây. Việc công bố thông tin kịp thời và đáng tin cậy cho phép những người sử dụng thông tin đó có thể dự báo, đánh giá về tình hình và hiệu quả các hoạt động diễn ra trong nền kinh tế đất nước.

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Báo cáo Xuất nhập khẩu trong 7 năm qua được đánh giá là đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng để có kế hoạch, hoạch định công tác xuất nhập khẩu và thị trường.

logistics-1682583050.jpg
Hoạt động Xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 có một số nội dung mới như: Thông tin về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030; cập nhật về kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tình hình gia nhập Hiệp định CPTPP của một số nền kinh tế, tình hình phê chuẩn Hiệp định CPTPP; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu…

Về tinh hình xuất nhập khẩu: Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh đặc thù, với những biến động kinh tế chính trị khó lường và phần nhiều có tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại. Cụ thể, cầu nhập khẩu hàng hoá suy giảm khi khó khăn kinh tế ở các nước phát triển gia tăng, lạm phát ở châu Âu và Hoa Kỳ ở mức cao đạt đỉnh trong nhiều năm, sức mua giảm sút rõ rệt. Hoạt động sản xuất chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đứt gãy nguồn cung do xung đột chính trị leo thang thành xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng như việc các quốc gia áp dụng các biện pháp trả đũa qua lại, giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao. Tại thị trường Trung Quốc, các biện pháp chặt chẽ để phòng chống dịch Covid-19 vẫn được thực thi nghiêm ngặt, điều này ảnh hưởng đáng kể lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo số liệu thống kê của Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (tăng trên 8%). Tăng trưởng xuất khẩu tương đối tích cực ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI (doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 95,4 tỷ USD, tăng 6,8%; doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 275,9 tỷ USD, tăng 11,8%).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu, đạt 319,2 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và ghi nhận mức tăng 10,1% so với năm trước.

Xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sản và nhóm nhiên liệu, khoáng sản cũng đều tăng so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản đạt 30,8 tỷ USD, tăng 9,9% và xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt gần 5 tỷ USD, tăng 36,5% so với năm 2021.

Có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, bao gồm xuất khẩu điện thoại đạt 58 tỷ USD, tăng 0,8% so với năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 55,5 tỷ USD, tăng 9,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 45,8 tỷ USD, tăng 19,4%; hàng dệt, may đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,7%; giày dép các loại đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD, tăng 8,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 12 tỷ USD, tăng 12,9% và thuỷ sản đạt 10,9 tỷ USD, tăng 23%.

Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp Cán cân thương mại cả năm tiếp tục vị thế xuất siêu trong các năm trước; mức thặng dư hàng hoá đạt 12,4 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu đa dạng, duy trì tăng trưởng tại các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới. Thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có kí kết FTA với Việt Nam. Xuất khẩu sang một số thị trường là đối tác FTA tăng cao như: sang ASEAN đạt 34 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2021; Canada đạt 6,3 tỷ USD, tăng 19,8%; Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, tăng 10,7%; Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,4%; Ấn Độ đạt 8 tỷ USD, tăng26,8%, Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%; EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7%.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 lần lượt là: TP. Hồ Chí Minh có kim ngạch 47.545.537.771 USD; Bắc Ninh 45.062.954.539 USD; Bình Dương 34.332.291.545 USD; Thái Nguyên 29.880.822.193 USD; Hải Phòng 24.956.949.890 USD; Đồng Nai 24.600.045.278 USD; Bắc Giang 22.628.594.217 USD; Hà Nội 17.131.320.127 USD; Phú Thọ 11.800.308.391 USD; Hải Dương 10.461.101.116 USD;

10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu 20.468.841 USD, Sơn La 21.801.054 USD, Bắc Cạn 33.466.825 USD, Điện Biên 42.686.980 USD, Ninh Thuận kim ngạch 46.223.574 USD, Cao Bằng 60.200.126 USD, Hà Giang 88.014.734 USD, Đắc Nông 111.800.984 USD, Tuyên Quang 137.569.864 USD, Quảng Bình 196.610.302 USD./.

Hương Lan