Bí xanh thơm trở thành giống cây được đặc cách lưu hành đầu tiên của Bắc Kạn

Bí xanh thơm là giống bí quý, riêng có của tỉnh Bắc Kạn. Mới đây, giống bí xanh thơm Bắc Kạn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống với mã số lưu hành đặc cách: CNLH.2022.38.

Cụ thể, Đầu tháng 10/2022, tỉnh Bắc Kạn nghiệm thu đề tài Phục tráng giống bí thơm Ba Bể bảo đảm năng suất cao, chất lượng tốt. Qua quá trình nghiên cứu đề tài đã điều tra đánh giá tình hình sản xuất, khả năng phân bổ bí thơm và thu thập vật liệu phục tráng. Trên cơ sở 500 cá thể được lựa chọn để phục tráng, qua phục tráng đã xác định được02 dòng có ký hiệu LVC và T13 có kiểu hình phù hợp đặc điểm của giống bí thơm tại Ba Bể để theo dõi.

Kết quả phục tráng đã xác định được giống bí thơm phấn trắng (từ dòng LVC) có các kiểu hình đặc trưng của bí thơm Ba Bể và đủ tiêu chuẩn làm giống. Xây dựng Mô hình sản xuất giống bí thơm với diện tích 1ha tại 2 xã Yến Dương và Địa Linh đã cung cấp được 5 tấn quả giống cho người dân.

Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn cho biết, đề tài còn hoàn thành thủ tục công nhận giống và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống với mã số lưu hành đặc cách: CNLH.2022.38. Việc công nhận giống sẽ là công cụ, yếu tố quan trọng để giúp cho quá trình thương mại hóa gia tăng giá trị của sản phẩm bằng cách xây dựng thương hiệu.

bi-1665386194.jpg

Bí xanh thơm là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hiện, giống bí này đang được trồng tập trung tại các xã: Địa Linh, Yến Dương, Thượng Giáo, Bành Trạch, Hà Hiệu…

Bí xanh thơm có 2 loại: bí phấn và bí xanh, nhưng có chung đặc điểm là tất cả từ thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Khi chế biến có độ dẻo, mùi thơm tự nhiên, vô cùng hấp dẫn. Từ những quả bí xanh thơm, người dân ở Ba Bể đã chế biến được nhiều món ăn ngon, độc đáo như món bí xanh nhân thịt hấp, bí xào, nộm, luộc, nấu canh, mứt bí...

Hiện nay, cây bí xanh thơm đã và đang được huyện Ba Bể phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn trồng được hơn 200ha bí xanh thơm, sản lượng ước đạt 8.000 tấn. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, một phần diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP và chứng nhận hữu cơ PGS, chứng nhận OCOP 3 sao. Với giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu/ha, so cây lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Quả bí được các Hợp tác xã chế biến thành nhiều sản phẩm, xuất bán đi khắp các tỉnh, thành phố qua hệ thống các siêu thị.

Bên cạnh đó, huyện Ba Bể đã tận dụng triệt để tiềm năng kinh tế của giống bí thơm xanh, quy hoạch, nâng tầm vùng trồng thành các mô hình du lịch trải nghiệm. Thôn Bản Váng, xã Địa Linh hiện đang trở thành điểm du khách trải nghiệm, tham quan mô hình sinh thái trồng bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn. Đến đây tham quan, trải nghiệm, du khách không chỉ được nghe bà con giới thiệu về xuất xứ, quy trình trồng cây bí xanh thơm, check in trong vườn bí mà còn thưởng thức một số sản phẩm làm từ bí xanh thơm như trà bí xanh, nộm bí, bí luộc và mua những quả bí chất lượng quả mang về nhà làm thức ăn hoặc đem biếu.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, đây là lần đầu tiên Bắc Kạn có một giống cây được công nhận lưu hành đặc cách. Cùng với việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với giống cây quý, một hướng phát triển kinh tế mới hiệu quả đã được mở ra. Chúng tôi hướng đến phát triển cây bí xanh thơm thành hàng hóa, tiêu thụ chủ yếu qua hệ thống các siêu thị lớn trên cả nước và xuất khẩu.

Khánh Ngân