Bí quyết giúp nông dân trồng nhãn ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhân đôi thu nhập

Không phải lo dội chợ, thời điểm này nông dân ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt đầu đưa ra thị trường trái nhãn với giá 55.000-57.000 đồng/kg. Thông thường nhãn chính vụ thu hoạch từ tháng 8, nhưng nhờ bí quyết cho nhãn trái vụ nên nông dân đã có thu nhập cao gấp hai lần.
nhan-trai-vu-01-1716256177.jpg
Hiện, giá nhãn trái vụ bán giá khá cao, do đó lợi nhuận của người nông dân tăng đáng kể.

Thu tiền tỷ từ nhãn trái vụ

Thông thường, nhãn thu hoạch chính vụ tại Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu từ tháng 8, tháng 9 dương lịch; giá bán chỉ ở mức trung bình. Nhiều nông dân tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dựa vào lợi thế có nguồn nước giếng khoan ổn định đã xử lý nhãn ra hoa trái vụ vào mùa khô, nên hiện nay nhãn đang bước vào vụ thu hoạch, giá bán ở mức cao.

Tuy nhiên, để trái nhãn có giá cao, nông dân có thu nhập ổn định hơn, vài năm trở lại đây, nhiều nhà vườn đã xử lý trái vụ cho nhãn ra hoa sớm, vì thế thời điểm này đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiện, giá nhãn trái vụ bán giá khá cao, do đó lợi nhuận của người nông dân tăng đáng kể.

nhan-trai-vu-02-1716256217.jpg
Ông An Đình Doan, xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thu hoạch nhãn trái vụ.

Ông An Đình Doan, ở ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có 1,3ha nhãn xuồng cơm vàng đang cho thu hoạch trái vụ. Đây là năm thứ 8 ông Doan tiến hành xử lý nhãn ra hoa trái vụ.

Năm nay sản lượng nhãn của gia đình ông chỉ đạt hơn 10 tấn, thấp hơn năm ngoái 10% do ảnh hưởng của thời tiết, thế nhưng nhờ giá bán cao từ 39.000-40.000 đồng/kg, cùng với việc canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng, giúp chi phí đầu tư thấp nên lợi nhuận của ông thu về khoảng 300 triệu đồng, cao hơn gấp 2 lần so với nhãn chính vụ.

Vườn nhãn 2,5ha của ông Lê Văn Tường, ở ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cũng đang vào mùa thu hoạch trái vụ, với sản lượng dự kiến 25 tấn trái. Đầu ra trái nhãn của ông Tường chủ yếu xuất bán cho hệ thống siêu thị Coop Mart.

Với giá bán 55.000-57.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Tường thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với nhãn chính vụ.

Ông Lê Văn Tường chia sẻ: "Năm nay gia đình tôi xử lý ra hoa sớm hơn mọi năm nhưng do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng nhiều nên tỷ lệ đậu trái không như ý muốn nhưng do sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nhãn gia đình tôi bán cho hệ thống siêu thị nên giá bán khá cao, nhờ đó gia đình tôi cũng có lãi cao".

Bí quyết xử lý nhãn chất lượng thơm ngon

Toàn xã Hòa Hiệp hiện có gần 224ha nhãn, chủ yếu là xuồng cơm vàng và nhãn Thái Ido, tập trung ở các ấp: Phú Quý, Phú Sơn và Phú Lâm. Đây là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất của huyện Xuyên Mộc.

Hiện toàn xã có khoảng 50% diện tích nhãn được bà con nông dân áp dụng kỹ thuật xử lý trái vụ ra hoa sớm.

Để có nhãn chín sớm, nông dân phải xử lý cho cây ra hoa từ tháng 10-12 năm trước, thông qua việc cắt cành, tỉa nhánh, bón phân giúp kích thích cho cây nhãn ra hoa, đậu quả, cắt nước. Với cách làm này, từ đầu tháng 5 dương lịch, nông dân đã có nhãn để xuất bán.

Nhãn trái vụ có giá bán khoảng 40.000-57.000 đồng/kg đối với nhãn xuồng cơm vàng; 30.000-35.000 đồng/kg nhãn Thái Ido; giá bán này cao hơn từ 1-1,5 lần so với thời điểm chính vụ, giúp nông dân tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Châu, nông dân trồng nhãn tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, chia sẻ với giá hiện tại thì nông dân có thu nhập cao hơn mọi năm, đặc biệt năm nay thời tiết hơi không thuận lợi nhưng những nhà vườn có giếng khoan đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho cây nhãn thì xử lý nhãn ra hoa trái vụ, nhờ như vậy nông dân có thu nhập cao hơn vụ chính.

nhan-trai-vu-03-1716256248.jpg
Ông Nguyễn Văn Châu, xã Hòa Hiệp (Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) thu hoạch nhãn trái vụ.

Ông Nguyễn Phong Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, cho biết năm nay mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài, ít mưa nhưng nhiều nhà vườn chủ động được nguồn nước tưới, tập trung xử lý trái vụ nên sản phẩm làm ra có giá trị cao hơn. Nhãn xử lý ra hoa sớm, có trái bán sớm khi thị trường còn khan hiếm nên hầu hết đều được thương lái thu mua nhanh chóng, thị trường tiêu thụ rất ổn định.

Theo thống kê của UBND huyện Xuyên Mộc, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 1.542 ha; trong đó có khoảng 1.000 ha nhãn xuồng cơm vàng, năng suất đạt 14 tấn/ha, sản lượng khoảng 20.200 tấn/năm.

Với diện tích trồng nhãn lớn nhất của tỉnh, thời gian qua địa phương đã tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu VietGAP, hữu cơ và thực hiện đăng ký mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu.

Ngoài ra, địa phương còn xây dựng vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao với khoảng 1.000 ha áp dụng các kỹ thuật như: tưới, bón phân tự động, ứng dụng công nghệ sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp để phòng trừ dịch bệnh, hệ thống xử lý bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhãn. Nhiều năm qua, nhờ trồng cây nhãn mà kinh tế của các nông hộ đã thực sự khởi sắc, cuộc sống và thu nhập ổn định.

Với kỹ thuật xử lý trái vụ, cùng với việc chuyển dần canh tác sang hướng hữu cơ đã giúp nông dân huyện Xuyên Mộc đang giảm chi phí đầu tư, chăm sóc, nâng cao chất lượng trái nhãn, ổn định thu nhập, đồng thời giúp cây nhãn ngày càng khẳng định được vị thế cây trồng chủ lực tại địa phương./.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 13.723 ha cây ăn trái; trong đó, cây nhãn nhiều nhất với hơn 1.754 ha.

Nhãn đang cho thu hoạch là hơn 1.522 ha, tổng sản lượng ước khoảng 21.000 tấn/năm. Nhiều năm qua, cây nhãn không chỉ là cây đặc sản mà còn là cây “xóa đói giảm nghèo” bền vững cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đặc biệt, ở Bà Rịa-Vũng Tàu với các giống nhãn như xuồng cơm vàng, nhãn bao công, nhãn bắp cải, nhãn tiêu, là những giống nhãn nức tiếng thơm, ngọt, giá bán luôn ở mức cao.

Cây nhãn được trồng trên đất cát ven biển của tỉnh, với hương vị ngon ngọt, cùi dày, có màu vàng đặc trưng ít nơi nào có được. Nhờ ưu thế vượt trội về chất lượng, cây nhãn của Bà Rịa – Vũng Tàu đã được bán trong các siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh và một số hệ thống siêu thị lớn của cả nước, đặc biệt trái còn được xuất đi thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…

Bình Nguyên