Thủ tướng chỉ đạo không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 81/CĐ-TTg chỉ đạo các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm cung ứng điện trong các tháng cao điểm năm 2025 và thời gian tới.
dien-nang-la-gi-1-17489736007921589599947-1748991335.jpg
Công nhân ngành điện khẩn trương thi công đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên, bảo đảm tiến độ công trình trọng điểm quốc gia - Ảnh minh hoạ

Đây là bước triển khai quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ trong việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia gắn với phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc lợi ích của nhân dân.

Điện – động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Xác định điện là “mạch máu” của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân không chỉ là yêu cầu kinh tế - kỹ thuật mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đây là tiền đề thiết yếu để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và phấn đấu đạt tốc độ hai con số trong giai đoạn 2026–2030.

Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng. Đến nay, tình hình cung ứng điện về cơ bản được bảo đảm.

Tuy nhiên, những diễn biến thời tiết cực đoan, đặc biệt là đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng tại miền Bắc và miền Trung thời gian gần đây, đã đẩy công suất phụ tải lên mức kỷ lục, tạo áp lực lớn lên hệ thống điện quốc gia. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải hành động quyết liệt, nhất quán theo phương châm “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả.

Đẩy nhanh tiến độ, phát huy nội lực, khai thông điểm nghẽn

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, bảo đảm tiến độ các dự án nguồn và lưới điện chiến lược. Trong đó, cần khẩn trương đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, Quảng Trạch 1; hoàn thành các hạng mục thủy điện Hòa Bình mở rộng và đưa vào vận hành trong tháng 9/2025.

Về lưới điện truyền tải, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV từ Lào Cai đến Vĩnh Yên, Hải Phòng – Thái Bình và các công trình 220kV trọng điểm. Đây không chỉ là những công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu mà còn là “đòn bẩy” để giải phóng năng lực sản xuất, thu hút đầu tư, nhất là trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu EVN, PVN, TKV và các đơn vị liên quan tập trung cung ứng đủ nhiên liệu cho phát điện, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, thiếu nhiên liệu làm gián đoạn sản xuất – kinh doanh.

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện trên tinh thần trách nhiệm cao với đất nước và cộng đồng. Các tỉnh, thành phố cần chủ động triển khai tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, trang trí ngoài trời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, sử dụng điện mặt trời và đèn LED tiết kiệm năng lượng.

Các chương trình khuyến khích phát triển nguồn điện tại chỗ, điện mặt trời áp mái, điện gió quy mô nhỏ cũng cần được đẩy mạnh theo đúng tinh thần các Nghị định số 57 và 58 năm 2025 của Chính phủ. Đây là hướng đi chiến lược nhằm khai thác tối đa tiềm năng nội lực, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Phối hợp liên ngành, tháo gỡ rào cản, bảo đảm vận hành thông suốt

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu nối, đầu tư các dự án điện. Đồng thời, các chủ đầu tư phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả các công trình được giao.

Các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, từ dự báo thời tiết, điều độ hệ thống điện, đến kiểm tra vận hành lưới điện trong điều kiện thời tiết cực đoan. Đây là yêu cầu bắt buộc để không chỉ vận hành hệ thống điện an toàn mà còn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nâng cao niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo đảm đủ điện là giữ vững thế chủ động trong phát triển, là thể hiện bản lĩnh lãnh đạo và năng lực quản trị quốc gia.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vấn đề phát sinh. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao, bảo đảm Công điện số 81/CĐ-TTg đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến thực chất trong công tác bảo đảm điện cho phát triển kinh tế - xã hội./.

Xuân Hiếu