Đứng đầu bảng xếp hạng là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank; HoSE: VCB). Tại báo cáo tài chính riêng quý 4/2022 đã lãi trước thuế hơn 12.400 tỷ đồng, nâng tổng lãi trước thuế cả năm lên 37.358 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021. Có được kết quả đó, nhờ vào thu nhập lãi thuần của nhà băng này tăng gần 11.000 tỷ đồng và giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2021 và 2020 Vietcombank cũng đứng đầu bảng xếp hạng này.
Đứng thứ 2 là Ngân hàng Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank; HoSE: TCB) với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Nhờ vào thu nhập lãi thuần cả năm đạt gần 30.300 tỷ đồng, tăng 3.600 tỷ đồng so với cùng kỳ. Dù đứng thứ hai toàn hệ thống, nhưng so với kế hoạch lợi nhuận 27.000 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm, ngân hàng này mới thực hiện được gần 95%.
Xếp hạng thứ 3 là ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV; HoSE: BID) với lợi nhuận quý 4 lên đến 5.380 tỷ đồng, giúp cho tổng lợi nhuận trước thuế cả năm lên 23.058 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần cả năm đạt 56.064 tỷ đồng, tăng hơn 9.200 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Thứ tư là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank; HoSE: MBB) thu nhập lãi thuần trong năm đạt hơn 36.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ năm và thứ sáu trong bảng xếp hạng lần lượt là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank; HoSE: VPB) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank; HoSE: CTG) dù lãi chưa đạt mức tỷ đô, nhưng cũng xấp xỉ với trên 21.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ngoài ra, mặc dù chưa tung báo cáo tài chính năm 2022 nhưng Ngân hàng Agribank nhiều khả năng cũng sẽ có lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng trong năm 2022. Trước đó, ngân hàng này báo lãi 6 tháng đầu năm tăng mạnh 60% lên hơn 15.000 tỷ đồng
Ngoài ra, các ngân hàng tư nhân khác gồm ACB, VIB và HDBank đều ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 trên 10.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng có lợi nhuận dưới 1.000 tỷ đồng bao gồm: Kienlongbank, PG Bank, Ngân hàng Bản Việt, Saigonbank và NCB.