Phân tích thấu đáo
Sau khi Chánh án TAND Cấp cao tại TP. HCM có Quyết định số 12/2022/KN-KDTM ngày 28/7/2022 về việc kháng nghị giám đốc thẩm bản án số 54/2020/KDTM-ST của TAND Thủ Đức. Đến ngày 30/9/2022 TAND Cấp cao tại TP. HCM đã quyết định đưa vụ án ra xét xử vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa VietinBank và bà Ngô Hồng Thúy bằng Quyết định giám đốc thẩm số 26/2022/KDTM-GĐT. Vụ án có liên quan đến nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND Cấp cao tại TP. HCM đã đề nghị Ủy ban Thảm phán chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại TP. HCM, hủy bản án sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
TAND Cấp cao tại TP. HCM cho rằng, theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì Vietinbank cho bà Ngô Hồng Thủy vay số tiền 2 tỉ đồng; tài sản bảo đảm cho khoản vay là nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai đã được cấp Giấy chứng nhận cho bà Trần Thị Thu Loan. Do bà Thúy không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nên Vietinbank yêu cầu Tòa án buộc bà Thủy trả số nợ gốc và lãi cho ngân hàng, nếu bà Thúy không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, thì xử lý tài sản thể chấp nếu trên để thi hành án.
Bên cạnh đó, bà Thủy khai rằng, bà vay giúp số tiền nêu trên cho ông Trần Hoàng Thông - Giám đốc Công ty Suối Ngọc. Người nhận tiền vay là ông Thái Nghiêm Tùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Suối Ngọc) và bà Lê Thị Thanh Văn. Ông Tùng, bà Vân không trả được nợ nên bà Thủy đồng ý phát mãi tài sản thể chấp để trả nợ cho ngân hàng.
Còn bà Trần Thị Thu Loan khai, bà chỉ là người đứng tên sở hữu nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai giùm cho Công ty Suối Ngọc do ông Tùng (chống cũ của bà Loan) nhờ, do đó, bà Loan không đồng ý phát mãi tài sản thế chấp theo yêu cầu của Vietinbank.
Xét thấy, nguồn gốc nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai do vợ chồng ông Nguyễn Thụy, bà Vũ Thị Minh mua hóa giá của Công ty Quản lý nhà Quận 1. Theo ông Thụy khai, ông đã bán căn nhà này cho Công ty Suối Ngọc, nhưng không nhớ ai là người đại diện đứng tên.
Cũng theo nhiều hồ sơ, nhận định của TAND Tối cao và TAND Cấp cao tại TP. HCM đề nêu rõ, tại Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 09/6/2008 của Công ty Suối Ngọc thể hiện, Công ty Suối Ngọc “gán” nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai cho bà Loan để trả nợ, và trong thực tế, vào ngày 05/12/2008, ông Thụy, bà Minh đã ký hợp đồng bán căn nhà này cho bà Loan, hay nói cách khác, bà Loan là người đứng tên hộ Công ty Suối Ngọc đối với nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai.
Quyết định giám đốc thẩm số 26/2022/KDTM-GĐT cũng nhận định, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả xác minh của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TP. HCM (Công văn số 2810/CVPC45 (Đ8) ngày 19/11/2010) thể hiện, trước khi nhờ bà Loan đứng tên hộ nhà đất số 19/13, thì ngày 21/02/2008, Công ty Suối Ngọc đã ký Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 00396/HĐTD-NH, vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (gọi tắt là SeABank) số tiền 436.800.000.000 đồng, tài sản thế chấp là toàn bộ nhà đất tại Khu 19B Nguyễn Thị Minh Khai (theo 46 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở), trong đó có nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai. Do nhà đất này chưa hoàn tất thủ tục hóa giá nên SeABank giao lại giấy tờ nhà cho Công ty Suối Ngọc cùng với vợ chồng ông Thụy, bà Minh hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu cho Công ty Suối Ngọc, nhưng Công ty Suối Ngọc lại để cho bà Loan đứng tên hộ và bà Loan đã thực hiện thế chấp nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai cho Vietinbank vào ngày 24/4/2009.
Đồng thời, Quyết định giám đốc thẩm số 26/2022/KDTM-GĐT còn nêu rõ, việc Công ty Minh Quang chính là người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan nhưng đã không TAND Thủ Đức đưa vào dẫn tới nhiều quyết định không đúng, ảnh hưởng quyền lợi của Công ty Minh Quang đồng thời khiến vụ việc bị kéo dài suốt nhiều năm.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND Cấp cao tại TP. HCM nhận định, trước thời điểm bà Loan được cấp Giấy chứng nhận và thế chấp nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai cho Vietinbank, thì tại Biên bản thỏa thuận về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ của Công ty Suối Ngọc tại SeABank HCM cho bên thứ ba ngày 30/12/2008, Công ty Suối Ngọc và SeABank cùng với bà Đoàn Minh Hà – Tổng Giám đốc Công ty Minh Quang đã có thỏa thuận ba bên, với nội dung, Công ty Suối Ngọc chuyển giao quyền và nghĩa vụ của mình cho Công ty Minh Quang, theo đó, bà Hà chịu trách nhiệm trả nợ thay cho Công ty Suối Ngọc đối với khoản vay của SeABank. Đồng thời, Công ty Suối Ngọc chuyển nhượng lại 25 căn nhà tại Khu 19B Nguyễn Thị Minh Khai cho Công ty Minh Quang, trong đó có nhà đất số 19/13 (theo Hợp đồng mua bán 25 căn nhà tại Khu 19B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/3/2009).
TAND Cấp cao tại TP. HCM cho rằng, thời điểm bà Loan thế chấp nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai cho Vietinbank thì tài sản này đã được Công ty Suối Ngọc thế chấp cho SeABank để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng ngày 21/02/2008, rồi sau đó, Công ty Minh Quang là người thay thế quyền và nghĩa vụ của Công ty Suối Ngọc trả nợ cho SeABank, đồng thời được sở hữu nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai. Theo quy định tại Điều 128 của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 thì giao dịch giữa bà Loan với Vietinbank bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, và trong trường hợp này, Vietinbank không được bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình theo quy định tại Điều 138 của BLDS năm 2005.
Phán quyết đúng bản chất vụ việc
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 26/2022/KDTM-GĐT, TAND Cấp cao tại TP. HCM cũng nhận định, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vietinbank đối với bà Thúy (trong đó có nội dung xử lý tài sản thế chấp là nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai nếu bà Thúy không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho Vietinbank) là không đúng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Minh Quang.
Mặt khác, về tố tụng, trong vụ án này, tài sản thế chấp để bảo đảm thực hiện hợp đồng vay tài sản có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Minh Quang, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án không đưa Công ty Minh Quang vào tham gia tố tụng là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, khi giải quyết lại vụ án cần phải đưa Công ty Minh Quang vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Do đó, TAND Cấp cao tại TP. HCM đã Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/2022/KN-KDTM ngày 28 tháng 7 năm 2022 của Chánh án TAND Cấp cao tại TP. HCM; Hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 54/2020/KDTM-ST ngày 22/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng VietinBank với bị đơn là bà Ngô Hồng Thúy và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Đồng thời, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Thủ Đức, TP. HCM giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi nhận được Quyết định giám đốc thẩm số 26/2022/KDTM-GĐT, địa diện Công ty Minh Quang cho rằng, bản án đã thể hiện đúng bản chất của vụ việc. Mong rằng khi xét xử lại vụ án này, TAND TP. Thủ Đức giải quyết một các công tâm, công bằng đúng quy định pháp luật để tránh vụ việc kéo dài, ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên.
“Suốt quá trình vụ việc diễn ra, Chi cục Thi hành án quận 1 dù đã nhận được nhiều đơn khiếu nại của Công ty Minh Quang, Công văn đề nghị tạm dừng thi hành án của Cơ quan CSĐT – Công an TP. HCM, yêu cầu tạm dừng của TAND Cấp cao tại TP. HCM. Tuy nhiên thực tế hiện nay, tài sản này đã được bán phát mãi với rá rẻ mạt chỉ bằng chưa tới 1/5 giá trị thực của nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai. Đồng thời, trong quá trình thực hiện thi hành án, Chi cục thi hành án đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của Công ty Minh Quang”, đại diện Công ty Minh Quang cho hay.
Liên quan đến quá trình thi hành án nhà đất số 19/13 Nguyễn Thị Minh Khai, chúng tôi sẽ thông tin trong bài tiếp theo!