Có nên đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa?

Cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở miền Bắc, bầu không khí lại đặc quánh mùi khói, ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nguyên nhân do người dân gom rơm rạ lại thành đống rồi đốt ngay trên ruộng hoặc bên lề đường.

Theo ghi nhận, rất nhiều hộ nông dân hiện nay đều chọn cách đốt để xử lý rơm rạ. Hiện nay, đã có nhiều giải pháp thay thế cho việc đốt, tận dụng nguồn rơm rạ cho sản xuất. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động người dân dùng chế phẩm sinh học để tận dụng nguồn rơm rạ thành phân bón vẫn chưa được thực hiện tích cực.

dot-rom-1687429587.jpg
Một sự việc nông dân đốt rơm rạ gần đây (Ảnh: Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam)

Thực tế cho thấy, việc đốt rơm rạ tràn lan sẽ sinh ra nhiều khói bụi, khiến bầu không khí ngột ngạt, ô nhiễm môi trường.

Theo chuyên gia, việc đốt rơm có thể hoàn nguyên lại cho đất một số dưỡng chất của cây trồng, tuy nhiên dưới góc độ môi trường, khí đốt lại gây ô nhiễm và lãng phí nguồn rơm rạ. Đốt rơm dễ phát sinh nhiều thành phần độc hại như bụi mịn  PM10, PM2.5, muội than và các khí CO, CO2, CH4, N20 là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính và mưa axit.

Với sức khỏe con người, khí đốt rơm dễ gây kích ứng khiến người hít phải khói bị ho, hắt hơi, buồn nôn. Nếu tiếp xúc trong thời gian dài, khí độc có thể gây tổn thương hệ hô hấp, dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, nhất là với người già và trẻ em. Thêm nữa, việc đốt rơm rạ cũng làm tăng nguy cơ cháy nổ khi ở gần đường điện và làm mất an toàn giao thông.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5-8kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa.

Việc đốt rơm rạ còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa, một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa cao.

Ở khu vực nông thôn, sau một ngày phơi nắng, rơm rạ thường được đốt vào buổi tối, vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại vào 20 - 22 giờ hàng ngày. Tùy thuộc vào từng khu vực, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có sự khác nhau, tuy nhiên xu hướng chung là sự gia tăng hàm lượng PM2.5 vào ban đêm.

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân có thể bị bị xử phạt đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên việc xử lý vẫn chưa triệt để tại nhiều địa phương khiến tình trạng đốt rơm rạ vẫn tái diễn nhiều năm qua.
Ánh Dương (t/h)