Trong kế hoạch nêu rõ, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung rà soát đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng.
Triển khai chương trình có hiệu quả, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Phát triển sản phẩm OCOP theo 06 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.
Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường…
Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về chuyển đổi số; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; các kỹ năng về quản trị; marketing, bán hàng; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quá trình triển khai thực hiện......
Các cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quán triệt sâu sắc tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP, xác định đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kế hoạch cũng nêu rõ, các Sở, ban, ngành, UBND các cấp, các tổ chức, đoàn thể có liên quan cần chủ động phối hợp, có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình, mục tiêu đã đề ra. Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, thành viên tích cực tham gia Chương trình OCOP; chủ động tổ chức các hoạt tham gia vào chuỗi giá trị hình thành trong quá trình thực hiện Chương trình; đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.../.