An ninh năng lượng châu Á đối mặt nhiều nguy cơ do biến đổi khí hậu khiến nguồn cung nước suy kiệt

Các nhà nghiên cứu vừa cảnh báo nguy cơ gián đoán nguồn cung nước từ vùng Hindu Kush – Himalaya do biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của 16 quốc gia khu vực Nam Á, Tây Á và Đông Nam Á.

Hãng tin Reuters dẫn nghiên cứu của các chuyên gia phân tích và nhà nghiên cứu cho thấy sự sự gián đoạn liên quan đến khí hậu đối với hệ thống nước ở vùng Hindu Kush – Himalaya đang gây rủi ro cho sự phát triển kinh tế và an ninh năng lượng ở 16 quốc gia châu Á.

Vùng Hindu Kush – Himalaya là dãy núi trải dài 3.500 km, qua 8 quốc gia gồm: Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Nepal, Myanmar và Pakistan. Đây được đánh giá là nguồn cung cấp nước quan trọng cho toàn bộ vùng Nam Á và một phần Đông Nam Á.

Vùng núi này là nơi khởi nguồn của 10 con sông lớn, bao gồm sông Hằng, sông Brahmaputra chảy vào Ấn Độ và Bangladesh, sông Dương Tử và sông Hoàng Hà của Trung Quốc, sông Mekong và sông Salween. Các con sông này cung cấp nước cho hoạt động sản xuất điện của hơn 75% các nhà máy thuỷ điện và 44% các nhà máy nhiệt điện than tại 16 quốc gia Nam Á, Tây Á và Đông Nam Á. Việc suy giảm hoặc gián đoạn nguồn cung nước từ vùng núi này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của 1,9 tỷ người với nhiều thiệt hại về kinh tế xã hội.

han-han-trung-quoc-1685613853.jpg
Trong năm 2022, hạn hán diện rộng trên lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất công nghiệp và thương mại của nước này, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh: Reuters)

Tổ chức tư vấn về Rủi ro nguồn nước Trung Quốc hiện cảnh báo các tác động của biến đổi khí hậu như băng tan và thời tiết khắc nghiệt đang đặt ra những “mối đe dọa nghiêm trọng” cho nguồn cung nước của vùng Hindu Kush – Himalaya, kéo theo đó là nguy cơ mất an ninh năng lượng cho các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung nước ở đây.

Các nhà máy điện có tổng công suất lên đến 865 GW, xây dựng dọc theo hệ thống sông của 10 con sông khởi nguồn từ vùng núi này được đánh giá dễ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng chú ý, hơn 300 GW công suất điện trong khu vực này đang  phải đối mặt với rủi ro về nước ở mức “cao” hoặc “cực kỳ cao”.

Lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, nơi cung cấp năng lượng cho khoảng 1/3 dân số và khoảng 15% tổng công suất điện của nước này, đã trải qua đợt hạn hán kéo dài kỷ lục vào năm ngoái, khiến sản lượng thủy điện giảm mạnh, kéo theo đó là sự đình trệ trong các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2023 được dự báo có thể là năm nóng kỷ lục của thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á do tác động từ hiện tượng El Nino. Nhiều nghiên cứu cho thấy hiện tượng thời tiết cực đoan này đang khiến nhiệt độ khu vực phía nam châu Á tăng lên mức cao chưa từng thấy, gây rủi ro hạn hán diện rộng cao. Điều này sẽ khiến nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng vọt nhưng nguồn cung nước có thể không đủ để các nhà máy sản xuất điện, nhất là thuỷ điện.

Các nhà nghiên cứu lưu ý, kể từ sau các đợt hạn hán năm ngoái, nhiều quốc gia  đã phê duyệt kế hoạch phát triển hàng chục nhà máy nhiệt điện than mới để giảm rủi ro gián đoạn nguồn cung nước từ khu vực Hindu Kush – Himalaya trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện than cũng cần sử dụng lượng lớn nước và sự gia tăng công suất nhiệt điện than, đặc biệt là tại Trung Quốc và Ấn Độ, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước trong toàn khu vực.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng khi rủi ro khí hậu gia tăng, các quốc gia chịu tác động của biến đối khí hậu phải xây dựng các chính sách an ninh năng lượng phù hợp với tình hình an ninh nước, vì các lựa chọn năng lượng có thể tác động đến nước và việc thiếu nước có thể gây khó khăn cho các nguồn điện, nên an ninh nước sẽ quyết định an ninh năng lượng.