An Giang chủ động bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu

Ông Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, nhằm chủ động bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, vận chuyển, tiêu thụ nhiên liệu của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp xăng dầu thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc đảm bảo nguồn cung cũng như chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.

"Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý Thị trường An Giang kiểm tra giờ bán hàng, chất lượng sản phẩm, nêm yết giá xăng dầu. Qua đó cho thấy, nguồn cung xăng dầu cơ bản vẫn đảm bảo phục vụ thị trường An Giang; chưa phát hiện cửa hàng xăng dầu đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá để trục lợi", ông Hùng cho hay.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 thương nhân đầu mối ngoài tỉnh (Công ty Ressol tại Cần Thơ) thông báo tạm ngừng kinh doanh khi bán hết lượng xăng dầu tại cửa hàng do chưa tìm được nguồn mua để tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/3, Công ty Ressol đã mua được xăng dầu và tiếp tục kinh doanh bình thường.

Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã tăng liên tiếp 7 lần; trong đó, xăng tăng khoảng 28%, tương đương 6.500 đồng/lít và dầu tăng khoảng 43% - khoảng 7,700 đồng/lít và chỉ có 1 lần giảm nhẹ hơn 600 đồng/lít. Việc giá xăng dầu liên tục tăng cao trong khi mức chi hoa hồng cho các cửa hàng bán lẻ rất thấp, khoảng 200 đồng/lít; thậm chí có thời điểm là 0 đồng. Vì vậy, mức chi hoa hồng này không đủ chi phí thuê mướn nhân viên, điện, nước, chi phí vận chuyển, hao hụt... Hiện Sở Công Thương An Giang đã có báo cáo, kiến nghị Bộ Công Thương về các khó khăn, vướng mắc trong quản lý xăng dầu trên địa bàn để tìm giải pháp tháo gỡ.

aacae1c2c857ac61826382aac10eca21-1648108816.jpeg
Ảnh minh hoạ

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng sản lượng xăng dầu bán ra trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 324 triệu lít (xăng khoảng 153 triệu lít, dầu khoảng 171 triệu lít), giảm 10% so với năm 2020. Tiêu thụ bình quân 1 tháng ước khoảng 27 triệu lít xăng dầu các loại./.

Trên địa bàn An Giang có 5 thương nhân đầu mối, 2 tổng đại lý, 21 thương nhân phân phối và 582 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này trên địa bàn.

Trong số đó, 5 thương nhân đầu mối xăng dầu lớn gồm: Petrolimex An Giang, PV Oil An Giang, Petimex An Giang, Công ty Nam Sông Hậu tại An Giang, SaiGon Petro chiếm 36,5% thị phần; 2 tổng đại lý xăng dầu chiếm 5,2% và 6 thương nhân phân phối xăng dầu trong tỉnh chiếm 42,8%; 15 thương nhân phân phối xăng dầu ngoài tỉnh (Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh) chiếm 15,5% thị phần.

Theo thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ cấp phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý phân phối xăng dầu có hệ thống phân phối từ 2 tỉnh trở lên. Tỉnh An Giang chỉ cấp phép cho các loại hình như tổng đại lý phân phối xăng dầu trong phạm vi tỉnh, đại lý bán lẻ xăng dầu và cửa hàng bán lẻ xăng dầu./.