9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82%

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 12,75 tỷ USD. Như vậy, tính chung từ đầu năm đến ngày 15/9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 40 tỷ USD.

Nhận định về tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục đạt 2 con số, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương chỉ ra yếu tố thuận lợi lớn nhất giúp hoạt động xuất nhập khẩu đạt được thành tích đó là việc sớm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế từ quý 4/2021; trong đó, các ngành sản xuất, dịch vụ đã tranh thủ đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần giúp doanh nghiệp có được thị trường xuất khẩu một cách thuận lợi hơn.

xk-1664420160.jpg
Tính từ đầu năm đến 15/09, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82%. (Ảnh minh họa. Internet)

Hơn nữa, dù lạm phát cũng khiến nhu cầu về tiêu dùng của nhiều thị trường thắt chặt hơn nhưng việc Việt Nam xuất siêu là một yếu tố rất tốt để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tạo động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.

Còn ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương cho rằng,  kinh tế Việt Nam cũng bắt đầu phục hồi bởi Chính phủ có các chương trình phục hồi và ưu tiên cho các ngành xuất khẩu và doanh nghiệp cũng bắt đầu hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, ông Phương cũng nhấn mạnh cùng với những thuận lợi thì xuất khẩu cũng đối diện với những khó khăn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nhiều đến giá cả, chi phí, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Cùng với sự gia tăng của giá năng lượng, giá nguyên vật liệu tăng rất mạnh.

Ngoài ra, Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Không COVID” không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế sản xuất, kinh tế Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.

Hai sự kiện này và nhiều yếu tố khác nữa đã đẩy lạm phát của các nước lên rất cao, như tại Hoa Kỳ, EU lên tới con số gần 10% - cao nhất trong hơn 40 năm nay.

Lạm phát tăng cao khiến nhiều nước phải sử dụng công cụ nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Những việc này đã đẩy các nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái và tác động trước mắt là làm cho tiêu dùng giảm là nguyên nhân khiến đơn hàng cho Việt Nam giảm.

Theo các chuyên gia, tỷ giá biến động chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Với những quốc gia đang giảm giá mạnh đồng nội tệ trước sức ép của đồng USD, giá hàng hóa của các nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu.

Để tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai.

Các chuyên gia cũng dự báo cơ hội của xuất khẩu năm nay sẽ song hành cùng thách thức bởi lạm phát, suy thoái còn nhiều bất định, nhất là tại châu Âu và Hoa Kỳ.

Hơn nữa, mức độ kéo dài của khó khăn còn phụ thuộc vào tình hình biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia cũng như tính đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và các nước châu Âu, kể cả Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương xác định trong những tháng cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các FTA đã ký kết.

Bên cạnh đó, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới...

Ở góc độ doanh nghiệp, cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ những quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, quy trình quy định, yêu cầu điều kiện của các thị trường ngoài nước.

An An