Kinh doanh Hội thoại tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19

Khi mua sắm online qua tin nhắn mạng xã hội trở thành thói quen của người người, nhà nhà trong và sau đại dịch, Kinh doanh Hội thoại (Business Messaging) tiếp tục là xu hướng mang tới nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt.

Qua đó, theo khảo sát được Meta thực hiện gần đây cho thấy, 73% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng tin nhắn để tiếp cận nhãn hàng; hơn 70% doanh nghiệp đánh giá Kinh doanh Hội thoại là thiết yếu đối với với doanh nghiệp của họ.

Khảo sát cũng cho thấy, 39% người được khảo sát cho biết họ tăng tần suất sử dụng hội thoại sau đại dịch COVID 19. Ít nhất 1 trong 3 người tiêu dùng Việt Nam trò chuyện với doanh nghiệp mỗi tuần một lần. Kinh doanh Hội thoại phổ biến ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là Millennials và GenZ.

icono-messenger-chatear-smartpone-471-1659076682.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Công ty công nghệ Meta cho hay, Finserv (Dịch vụ tài chính) đã trở thành một ngành tiềm năng trong khai thác hội thoại trong kinh doanh. 63% người tiêu dùng cho rằng họ cần phải chat với doanh nghiệp trước khi ra quyết định đăng ký sản phẩm tài chính.

Ngoài các kết quả nghiên cứu, ba tính năng mới được Meta đã ra mắt cũng thu hút được nhiều sự chú ý, bao gồm Hình thức hợp tác thanh toán bằng ví điện tử (e-wallet) trên Messenger, Tin nhắn thông báo định kỳ (Recurring Notification) và Tính năng nhắn tin mua hàng trực tiếp trên Instagram (IG Direct).

"Meta khuyến nghị các doanh nghiệp nên xác định rõ mục đích của sử dụng kinh doanh hội thoại và ưu tiên đưa Kinh doanh hội thoại vào chiến lược marketing. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên sử dụng các bên đối tác thứ ba để triển khai giải pháp kỹ thuật liên quan đến kinh doanh hội thoại để phát triển mô hình kinh doanh này hiệu quả nhất, đem lại tỉ lệ chuyển đổi cao và tương tác có chiều sâu", ông Khôi Lê, Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam, Meta chia sẻ.

Phương Ly (t/h)