50 năm – một chặng đường của Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất

Nằm trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều năm 2024, Hội Điện ảnh Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường” vào ngày 10/9/2024 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhằm tổng kết nửa thế kỷ điện ảnh Việt Nam về những thành tựu đạt được từ khi đất nước thống nhất (30/4/1945) đến nay và các vấn đề cần đổi mới trong quá trình hội nhập quốc tế của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
dien-anh-viet-nam-50-nam-mot-chang-duong-1726353147.jpg
Chủ trì Hội thảo Điện ảnh Việt Nam - 50 năm - một chặng đường

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; lãnh đạo Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Ban lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Khánh Hòa; các đại biểu gồm: các chuyên gia, nhà khoa học, nhà văn, nhà biên kịch, nhà làm phim, các doanh nghiệp du lịch, điện ảnh… trên cả nước.

TS.Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu: “Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ, người làm công tác điện ảnh Việt Nam đã làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới, mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, góp phần tích cực xây dựng nền văn học nghệ thuật nước nhà trong sự nghiệp đấu tranh giái phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước.

Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm – một chặng đường” lần này là chương trình ý nghĩa của Hội Điện ảnh Việt Nam nhằm triển khai thực hiện kế hoạch số 390 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền Văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) trong đó điện ảnh là một rong những lĩnh vực quan trọng, được xem là mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa.

TS.Trần Thị Phương Lan hy vọng Hội thảo sẽ tổng kết đánh giá những thành tựu cùng những hạn chế của điện ảnh Việt Nam nửa thế kỷ đã qua, đồng thời có những giải pháp xây dựng, phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân.

dien-anh-viet-nam-50-nam-mot-chang-duong-giai-canh-dieu-1726353151.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Điện ảnh Việt Nam - 50 năm một chặng đường

TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Điện ảnh Việt Nam là một nền nghệ thuật do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập luôn lấy tiêu chí giáo dục tư tưởng tình cảm cho nhân dân bằng chất lượng nghệ thuật cao làm mục đích phấn đấu. Từ năm 1975 đến năm 2022, điện ảnh Việt Nam trải qua từng giai đoạn phát triển với sự lột xác mạnh mẽ, tự làm mới mình. Luật Điện ảnh năm 2022 đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp cùng các nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy Điện ảnh Việt Nam có những bước phát triển mới trong giai đoạn tới.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, ngành điện ảnh vẫn luôn mong muốn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, bố trí tăng nguồn ngân sách cho các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim nhà nước đặt hàng phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là kinh phí để cải tạo, nâng cấp rạp, cụm rạp chiếu phim thuộc các Trung tâm phát hành và Chiếu bóng tại các tỉnh thành. Cùng với đó, cấp ngân sách xây dựng hệ thống số hóa kho phim nhựa do Việt Nam sản xuất (từ năm 1945 đến nay) và đồng bộ hệ thống công nghệ lưu trữ quốc gia kỹ thuật số để phổ biến và khai thác rộng rãi tới công chúng trong nước và nước ngoài trên các nền tảng truyền thông, đặc biệt là nền tảng xem phim trực tuyến, thực hiện hiệu quả mục tiêu “Người Việt xem phim Việt”, lan tỏa tinh thần “Người Việt yêu phim Việt”.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam – PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú dẫn lời: kể từ khi đất nước thống nhất năm 1975 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã trải qua nửa thế kỷ phát triển với nhiều sự đổi mới đáng kể. Trước đây, phim Việt Nam chủ yếu tập trung vào các đề tài chiến tranh, lịch sử cách mạng, thường được thực hiện dưới dạng phim đen trắng, nhiều bộ phim đã trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển. Từ sau khi thống nhất đất nước, đề tài phim truyện đã mở rộng hơn rất nhiều, không chỉ dừng lại ở lịch sử hay chiến tranh cách mạng mà còn bao gồm những câu chuyện về con người, cuộc sống đương đại, tâm lý xã hội.

Đặc biệt từ năm 1986 đến nay, các đề tài của phim Việt Nam ngày càng phong phú gồm cả những thể loại như phim kinh dị, phiêu lưu mạo hiểm… Cách thể hiện của điện ảnh Việt Nam cũng có những bước chuyển mình, ngày càng tiệm cận hơn với tiêu chuẩn của điện ảnh thế giới.

PGS.TS Vũ Ngọc Thanh – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho rằng: phim truyện là tấm gương phản ánh xã hội và tiến trình tư tưởng của nó, những tư tưởng mới sẽ có được mảnh đất riêng chỉ khi nó gần gũi với tâm tưởng người dân thường, người lao động, nhà làm phim cần góp phần tạo nên “5 mới”: diện mạo mới, luồng sinh khí mới, sức sống mới, nguồn nhân lực - tài chính - sáng tạo mới.

Để làm được điều đó cần nỗ lực sáng tạo hệ giá trị tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, công nghệ, thương mại, giải trí, thẩm mỹ… cho phim truyện, cũng như các vấn đề kỹ thuật làm phim chính, phong cách và hình thức phim; ảnh hưởng và góp phần tích cực tạo nên giá trị, bản sắc của điện ảnh quốc gia và dân tộc.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ góc nhìn thành tựu của điện ảnh Việt Nam 50 năm qua về các lĩnh vực phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình và tích cực trình bày những đề xuất để phát triển điện ảnh Việt Nam phát triển nhanh cùng xu hướng thế giới trong thời gian tới.

Vào buổi tối cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam và đơn vị sự kiện tổ chức trao giải Cánh diều vàng 2024 mang chủ đề “Đam mê tỏa sáng”. Đây là lần thứ 3 chương trình trao giải được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang khiến nơi này ngập tràn sắc màu rực rỡ của điện ảnh.

Sự kiện này không chỉ là lễ hội điện ảnh và còn là dịp để nhìn lại hành trình phát triển của điện ảnh Việt Nam – tôn vinh những tài năng sáng tạo.

Ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu đầy tự hào khi thành phố biển Nha Trang được vinh dự tổ chức sự kiện lớn của điện ảnh Việt Nam, đồng thời, Ban tổ chức kêu gọi cộng đồng nghệ sĩ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) và thiên tai lũ lụt khu vực phía Bắc vừa qua. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần cùng tạo nên thành công lớn cho toàn buổi lễ./.

Đoàn Như Quỳnh