Sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ đòi hỏi những công nghệ cao để nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, mà còn phải đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho người nông dân.
Nông nghiệp thế giới đang hướng đến tính xanh, bền vững, theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, ít tác động đến môi trường, góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.
Sau đây là một số ý tưởng nông nghiệp xanh mang lại lợi nhuận cao:
1. Mô hình trồng rau thủy canh (Hydroponics)
Trồng rau thủy canh quy mô công nghiệp chính là mô hình kinh doanh đang được nhiều người hướng đến hiện nay. Bên cạnh những lợi ích về rau sạch bạn sẽ thu được hằng ngày, mô hình kinh doanh này có chi phí duy trì thấp nhưng hiệu quả về mặt lợi nhuận cao, và nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch - an toàn chưa bao giờ hết.
Trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh là một khái niệm vô cùng quen thuộc đối với tất cả chúng ta. Mọi người ở tất cả các đối tượng đều có thể áp dụng phương pháp này ngay tại nhà của mình, chỉ với một không gian thoáng mát, có anh sáng như sân thượng hay ở góc nhà gần cửa sổ là bạn đã có thể tự tay trồng và thu hoạch rau sạch cho chính gia đình của mình.
Trồng rau thủy canh công nghiệp thì đỏi hỏi một quy mô sản xuất lớn hơn: một sân vườn có diện tích ít nhất khoảng 400m2 và những dụng cụ cần thiết. Với một mùa vụ trồng rau thủy canh quy mô công nghiệp như vậy, bạn có thể gặt hái được 400 - 600kg rau và thu được về lợi nhuận kinh tế rất khả quan. Hơn thế nữa, phương pháp thủy canh trong công nghiệp sẽ được áp dụng trong nhà màng vì thế rau quả sẽ được hạn chế tối đa với việc tiếp xúc các hóa chất độc hại và sự ô nhiễm từ môi trường xung quanh.
Hiện nay, để kinh doanh hiệu quả với quy mô sản xuất công nghiệp, các nhà vườn thường áp dụng phương pháp thủy canh NFT (Nutrient Film Technique), hay còn được gọi là “Phương pháp thủy canh hồi lưu màng mỏng”. Phương pháp này cho phép bạn bơm các chất dinh dưỡng trong dung dịch thủy canh lên từ các bể chứa. Những chất dinh dưỡng này sau đó sẽ chảy qua các máng có độ dốc để tạo ra một màng mỏng dinh dưỡng rồi chạy qua rễ của cây và cuối cùng là được lưu hồi trở lại bình chứa.
Về thuận lợi, phương pháp thủy canh là một trong những phương pháp canh tác nông nghiệp hiện đại nhất hiện nay với ưu điểm là vận dụng công nghệ cao và quy trình vận hành khá đơn giản. Các nhà vườn khi áp dụng phương pháp NFT vào quy mô sản xuất có thể hoàn toàn điều tiết được lượng chất dinh dưỡng và cả quy trình nên chất lượng sản phẩm cuối cùng luôn được kiểm định chặt chẽ.
Hai, về chất lượng, phương pháp thủy canh áp dụng công nghệ cao, nên nếu vườn rau của bạn được thực hiện đúng quy trình và đầy đủ các bước thì chất lượng sản phẩm thu được chắc chắn sẽ cao hơn phương pháp truyền thống. Thêm vào đó, bạn có thể lựa chọn những nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm như cao nguyên, Đà Lạt,.. sẽ giúp cây phát triển được hết năng suất và thu hoạch đúng thời điểm.
Ba, thuận lợi cuối cùng bạn có được khi sử dụng phương pháp này là chi phí quản lý và duy trì tương đối thấp. Khác xa với các mô hình truyền thống - đòi hỏi sức lực con người nhiều hơn, trồng rau thủy canh quy mô công nghiệp được tự động hóa hoàn toàn. Với 1000m2 quy mô, bạn chỉ cần 1 - 2 người nhân công để điều khiển và kiểm tra toàn bộ quy trình canh tác. Thời gian thu hoạch của phương pháp thủy canh khi được áp dụng đúng các bước chỉ kéo dài từ 25 - 30 ngày/vụ, giúp chi phí của bạn được hạ thấp mức tối đa và lợi nhuận kinh tế từ đó cũng được nâng cao.
2. Nuôi trồng thủy canh, hệ sinh thái trồng cây, nuôi cá (Aquaponics)
Aquaponics là hệ thống tự động trồng rau thủy canh hữu cơ (organic) và nuôi cá tại nhà 3 Không: Không dùng đất, Không phân bón, Không cần tưới nhưng vẫn có rau xanh cá sạch để ăn hàng ngày.
Hệ rau xanh cá sạch Aquaponics chính là hệ tự trồng rau thủy canh hữu cơ (organic) và nuôi cá sạch tuần hoàn khép kín tại nhà: thay vì bổ sung phân bón và các hóa chất để nuôi cây, chất thải cá qua bộ lọc vi sinh bị ôxy hóa nhờ quá trình nitrat hóa chuyển thành chất dinh dưỡng (chính là nitrat) để nuôi cây; rể cây sau khi hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ lọc sạch nước trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn và chỉ cần thay thế khi bị bốc hơi. Quá trình này được lặp đi lặp lại tạo thành hệ Aquaponics tuần hoàn khép kín.
Với cơ chế vận hành như trên, có thể nói rằng công nghệ Aquaponics cũng chính là công nghệ, cách dọn vệ sinh hồ cá tự động hay cách lọc hồ cá, phương pháp làm sạch hồ cá tự động vừa cung cấp rau sạch hữu cơ thủy canh để ăn. Công nghệ Aquaponics ngày càng được phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Với các nước phát triển như Israel, Mỹ, Nhật, Châu Âu nơi điều kiện kinh tế phát triển, nguồn tài nguyên đất không nhiều thì mô hình Aquaponics nước cạn hay nước sâu được sử dụng nhiều cho mục đích kinh doanh thực phẩm (rau của quả và cá) an toàn.
Tại Việt Nam, phương pháp Aquaponics tưới ngập xã cạn được sử dụng rất phổ biến bởi các hộ gia đình nhà phố có sân thượng ở các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội để tự trồng rau nuôi cá thủy canh hữu cơ tại nhà cho cả hai mục đích có thực phẩm an toàn và mục đích giải trí, xả stress, giáo dục tình yêu thiên nhiên cho trẻ em, tạo mảng xanh cho ngôi nhà của mình. Với các gia đình có sẵn hồ cá cảnh hay các nông trại nuôi cá quy mô lớn, thì công nghệ Aquaponics càng tối ưu hơn khi vừa giúp lọc sạch, vệ sinh hồ cá một cách tự động vừa cung cấp rau sạch hữu cơ cho bữa ăn hàng ngày.
Hầu hết các giống rau củ quả phổ biến trong bữa ăn gia đình đều có thể trồng trong hệ thống Aquaponics: Nhóm rau ăn lá (rau muống, xà lách, cải xanh, bắp cải, cải gổ, mồng tơi, rau dền, các loại rau mùi như hành, quế, ngò); Nhóm cây họ đậu (đậu xanh, đậu nành, đậu đũa, đậu bắp, đậu phộng (lạc); Nhóm cây lấy quả (Cà chua, ớt, cà tím, dưa leo, khổ qua); Nhóm hoa, cây cảnh (hoa hồng, cúc)…
3. Du lịch gắn với nông nghiệp xanh
Gần đây, du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Sự tham gia trực tiếp của nông dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
Hiện nay, một số tour du lịch cộng đồng gắn với vùng trung du, vùng núi phía Bắc đã trở thành “thương hiệu” của vùng như tour trải nghiệm, thăm quan nông trường Mộc Châu; tour du lịch ngắm ruộng bậc thang, thăm quan bản làng tại Tại miền Trung, du khách trong nước và quốc tế cũng rất thích những sản phẩm du lịch trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An (Quảng Nam): làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam…
Không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, việc phát triển du lịch cũng tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Theo các chuyên gia, phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của vùng miền.
Xuất hiện nhiều mô hình phát triển hiệu quả ở nhiều địa phương, đơn cử như: Bình Thuận hiện có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp. Chẳng hạn như: vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha tại huyện Bắc Bình; du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp trên các đảo, xung quanh hồ thủy điện, thủy lợi tại các huyện vùng cao như Tuy Phong, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc...
Hiện nay, Bình Thuận đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, coi đây là một hướng đi mới và bền vững cho ngành du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cùng với sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, tài nguyên, Bình Thuận hiện có 270.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như lúa, bắp, nho, cây trôm, đặc biệt là cây thanh long.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc có khí hậu đa dạng, là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, đồng lúa, rau màu, rượu, mật ong, cây ăn quả ôn đới dài ngày như (cà phê, chè..) có ưu thế ở Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu là những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung ở Quỳnh Nhai, Mường La…
Ngoài ra, Sơn La cũng có nguồn tài nguyên về du lịch độc đáo như: Lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Nhà máy thủy điện Sơn La… Đây là những lợi thế để Sơn La phát triển du lịch gắn với nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Từ những mô hình du lịch hộ gia đình cho đến mô hình trang trại, trồng cây ăn quả… tại 1 số địa phương trên địa bàn tỉnh đã cho thấy du lịch gắn với nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho cá nhân gia đình và địa phương./.