Trước đó, ngày 28/3, tại hội nghị giao ban với Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, trong quý I, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đạt 14,18 %, dẫn đầu cả nước, trong đó ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Cũng theo UBND tỉnh Bắc Giang, công nghiệp tiếp tục trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang. Sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đạt kết quả tích cực, dù phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tăng hơn 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 10,5%). Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất và hoạt động ổn định từ cuối quý III/2023 đến nay.
Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất có chỉ số sản xuất ước quý I tăng hơn 41% so cùng kỳ năm trước nhờ sự tăng trưởng mạnh của các công ty lớn trong ngành này như: Công ty Luxshare ICT, Công ty Fukang, Công ty Hana Micon. Các sản phẩm chủ lực có mức tăng mạnh như đồng hồ thông minh ước đạt hơn 3,3 triệu cái, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm ngoái; tai nghe ước đạt hơn 18,5 triệu cái, tăng hơn 52% so cùng kỳ năm trước.
Thông thường, sản xuất điện tử tăng trưởng mạnh vào quý III và quý IV, còn quý I tăng trưởng kém vì ít đơn hàng. Tuy nhiên, năm nay sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng cao trong quý I, vì nhiều đơn hàng, xuất khẩu tăng trưởng tốt giúp phát triển kinh tế tốt hơn các quý I những năm trước.
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang trong quý I (giá hiện hành) đạt hơn 150.800 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 2.800 tỷ đồng, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt hơn 15.400 tỷ đồng, khu vực FDI đạt hơn 132.500 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bắc Giang tích cực nắm bắt, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp. Đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội thiết yếu về giáo dục, văn hóa, y tế... phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và xây dựng hệ thống giao thông kết nối các khu công nghiệp với các đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo đảm an toàn, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp./.