29/5 - Ngày Quốc tế Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Ngày Quốc tế Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được kỷ niệm vào ngày 29/5 hàng năm, nhằm ca ngợi tính chuyên nghiệp, sự cống hiến và lòng dũng cảm của các binh sỹ gìn giữ hòa bình (GGHB) vốn phải hoạt động trong những điều kiện vô cùng khó khăn.
h1-3-1685231468.jpg
Hiện nay, hơn 124.000 binh sĩ, cảnh sát và dân thường đã được triển khai trong 16 Phái bộ GGHB trên các châu lục (Ảnh: UN)

Ngoài ra, đây cũng là dịp để cùng tôn vinh đóng góp vô giá của lực lượng gìn giữ hòa bình và tưởng nhớ hơn 3.400 binh lính đã mất đi sự sống khi phục vụ dưới lá cờ của Liên hợp quốc kể từ năm 1948, trong đó 129 người đã thiệt mạng vào năm 2022.

Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày Quốc tế Lực lượng GGHB Liên hợp quốc (29/5/2016), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ, các binh lính GGHB thể hiện những khía cạnh tốt nhất của tinh thần đoàn kết toàn cầu và hành động với lòng dũng cảm trong môi trường nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho những người dân dễ bị tổn thương nhất.

Kể từ khi bắt đầu được thành lập năm 1948, các hoạt động GGHB của Liên hợp quốc đã chứng minh là một trong những công cụ hiệu quả nhất để cộng đồng quốc tế xử lý các cuộc xung đột phức tạp đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Đến nay, qua 75 năm hoạt động, lực lượng GGHB được thành lập với hơn 1 triệu binh sĩ, dân thường và cảnh sát đã mang bộ đồng phục của Liên hợp quốc.

Trong những năm qua, các hoạt động GGHB của Liên hợp quốc đã phải đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên, tính năng động và linh hoạt của họ đã giúp bảo vệ những người dân có nguy cơ và thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Tại Nam Sudan, hơn 200.000 dân thường đã được lánh nạn trong các cơ sở của Liên hợp quốc. Phái bộ GGHB của Liên hợp quốc ở Trung Phi đã hỗ trợ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống quan trọng mang tính lịch sử, góp phần lập lại hòa bình và ổn định ở quốc gia này. Tại phía Đông của CHDC Congo, lực lượng GGHB đã chiến đấu chống lại các nhóm vũ trang nổi dậy và thành công trong việc thuyết phục họ từ bỏ vũ khí.

h2-2-1685231505.jpg
Thắt chặt mối đoàn kết quốc tế giữa Lực lượng GGHB Việt Nam và người dân địa phương trong mỗi chuyến khảo sát, nắm tình hình địa bàn

Tại Mali, mặc dù nhiều binh lính GGHB bị thương hoặc thiệt mạng, song phái bộ ở đây vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình. Ở Haiti, cảnh sát và các chuyên gia dân sự của Liên hợp quốc đã giúp ngăn chặn bạo lực của các băng nhóm tội phạm. Trong khi những lo ngại liên quan đến Ebola lan rộng trên khắp thế giới thì lực lượng GGHB phục vụ ở Liberia đã bảo đảm sự an toàn của các chuyên gia quốc tế - những người đã cố gắng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Lực lượng GGHB cũng đã đóng góp trong cuộc chiến chống mìn và vật liệu nổ ở nhiều quốc gia.

Hiện nay, các hoạt động GGHB nhận được đóng góp của quân đội và cảnh sát từ 124 quốc gia thành viên. Cách đây 15 năm, binh lính quân đội và cảnh sát của Liên hợp quốc chỉ có chưa đầy 40.000 thành viên; song đến nay, hơn 105.000 nhân viên từ 124 quốc gia đã mang màu áo của Liên hợp quốc, bên cạnh 18.000 thành viên dân sự được tuyển bộ theo các kế hoạch quốc tế và quốc gia và các tình nguyện viên của Liên hợp quốc. Con số ấn tượng này phản ánh niềm tin của cộng đồng quốc tế vào các giá trị của các hoạt động GGHB để bảo đảm an ninh chung.

Cục GGHB Việt Nam (tiếng Anh: Viet Nam Department of Peacekeeping Operations, nguyên văn “Cục về các Hoạt động gìn giữ hòa bình Việt Nam” viết tắt VNDPKO), trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, là cơ quan chuyên môn tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc. Việt Nam luôn cam kết tiếp tục triển khai lực lượng GGHB của Liên hiệp quốc. Các hoạt động của phái bộ Việt Nam ở nước ngoài đều được đánh giá cao.

Ngày 25/5, tại trụ sở Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đã chủ trì Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc tế Lực lượng GGHB Liên hợp quốc.
Gần 10 năm qua, Cục GGHB Việt Nam không chỉ đóng góp thiết thực vào công cuộc bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới mà còn góp phần không nhỏ nâng cao vị thế và uy tín của các Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tin cậy và trách nhiệm. Có được những thành tích đáng tự hào đó là nhờ công lao, đóng góp của tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan, và trực tiếp nhất là sự cố gắng, hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các phái bộ GGHB cũng như tại trụ sở Liên hợp quốc.