21/5 - Ngày Thế giới về Đa dạng văn hoá vì Đối thoại và Phát triển

Trong những năm trở lại đây, quốc tế hóa và toàn cầu hóa đang trở thành xu thế nổi bật trong đời sống quốc tế. Trong bối cảnh ấy, văn hóa nổi lên thành một vấn đề trung tâm của thời đại. Xuất phát từ thực tế này, vào tháng 12/2002, UNESCO quyết định lấy ngày 21/5 hàng năm là Ngày Thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển.

Những nền văn hóa của các cộng đồng khác nhau có nhiều cơ hội và điều kiện quan hệ qua lại với nhau bằng hàng ngàn cách thức khác nhau. Xu thế toàn cầu hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, cấu trúc không gian của thế giới sẽ phải thay đổi, sự liên thông cả về không gian và thời gian có nhiều thuận lợi cho sự giao tiếp của các nền văn hoá. Một thế giới mới sẽ cởi mở hơn, đòi hỏi gắn kết và hòa nhập hơn.

Lại nói, những nền văn hóa của các cộng đồng khác nhau có nhiều cơ hội và điều kiện quan hệ qua lại với nhau bằng hàng ngàn cách thức khác nhau. Bên cạnh đó, nền văn hóa đều chứa đựng những sức mạnh riêng và đóng góp cho sự phát triển của loài người theo những cách khác nhau. Xuất phát từ thực tế này, UNESCO đã đưa ra Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa, lấy ngày 21/5 hàng năm là Ngày Thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển.

a1-1684627235.jpg
Sơn mặt là một hình thức trang trí phổ biến của các bộ tộc trên đảo Papua New Guinea. Ảnh: Fabien Astre/Daily Mail
a2-1684627303.jpg

Lễ hội tắm cà chua La Tomatina của Tây Ban Nha. La Tomatina là lễ hội ném hoa quả lớn nhất châu Âu. Hàng năm, các du khách nước ngoài,

chủ yếu là người Anh, Mỹ và Nhật, đổ về vùng Valencia, Tây Ban Nha, để tắm mình với hàng trăm tấn cà chua, nhuộm đỏ khắp phố. Ảnh: Cal Neva.

a3-1684627333.jpg
Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Ảnh: Vương Anh/qdnd.vn

Theo UNESCO, 75% mâu thuẫn, xung đột xảy ra trên thế giới đều liên quan đến văn hóa. Thu hẹp khoảng cách khác biệt trong văn hóa là việc làm cấp thiết vì sự an toàn, hòa bình và phát triển. Hiện tồn tại 7 công ước văn hóa thúc đẩy đa dạng văn hóa thông qua việc khẳng định rằng đa dạng văn hóa là một tài sản không thể thiếu để xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Việc chấp nhận và công nhận sự đa dạng văn hóa - đặc biệt là nhờ vận dụng một cách sáng tạo của các phương tiện truyền thông và thông tin - có lợi cho đối thoại giữa các nền văn minh và văn hóa, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Các cuộc đối thoại, trao đổi giữa các nền văn minh, văn hóa và giữa người với người, dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng sự gắn kết xã hội và hòa giải giữa các dân tộc.

Hành động này là một phần trong khuôn khổ tổng thể được Liên minh các nền văn minh của Liên hợp quốc khởi xướng. Theo đó, trong khuôn khổ cuộc đối thoại liên văn hóa bao gồm cả đối thoại liên tôn giáo, tập hợp toàn bộ các thực tiễn tốt để thúc đẩy đa dạng văn hóa ở phạm vi ​​địa phương, quốc gia và khu vực hay tiểu khu vực nhằm ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan, cuồng tín và làm nổi bật các giá trị và nguyên tắc tích cực.

a4-1684627379.jpg
Du khách quốc tế hoà mình trong làn điệu Xoan “Mó cá” độc đáo tại tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Việt Thắng/svhttdl.phutho.gov.vn

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với sự đa dạng các truyền thống, sắc thái văn hóa khác nhau. Sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam thể hiện ở sự đa dạng trong các hình thức biểu đạt văn hóa như nếp sống, phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật, ẩm thực, tri thức địa phương... Việt Nam đặc biệt coi trọng và thực thi nhiều chính sách để bảo tồn và phát huy đa dạng văn hóa của các dân tộc, coi đây là nhân tố hết sức quan trọng, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

a5-1684627419.jpg

Ngày 01/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản

Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nguồn: TTXVN

a6-1684627453.jpg
Nhã nhạc Cung đình Huế được phát triển với sự đa dạng và phong phú về thể loại. Ảnh: thegioidisan.vn
a7-1684627496.jpg
Lễ hội khai năm tạ ơn rừng của người Cơ tu. Ảnh: Đỗ Văn Trưởng/TTXVN
a8-1684627533.jpg
Chương trình nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc thiểu số tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
a9-1684627593.jpg
Một tiết mục nghệ thuật của người Chăm, Việt Nam. Nguồn: dangcongsan.vn
a10-1684627654.jpg
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Đ.T/ Báo Gia Lai

Việc đặt văn hóa vào trung tâm của quá trình phát triển là một sự đầu tư quan trọng cho tương lai của thế giới, điều kiện thành công của quá trình toàn cầu hóa trong đó có tính đến các nguyên tắc của đa dạng văn hóa. Phát triển không thể tách rời văn hóa. Về vấn đề này, thách thức chính là thuyết phục các chính trị gia và các quan chức địa phương, quốc gia và quốc tế hòa hợp các nguyên tắc đa dạng văn hóa và các giá trị đa nguyên văn hóa trong các chính sách công, các cơ chế và thực tiễn, đặc biệt là thông qua quan hệ đối tác công - tư.

Mục đích một mặt nhằm hòa nhập văn hóa trong tất cả các chính sách phát triển, cho dù liên quan đến giáo dục, khoa học, truyền thông, y tế, môi trường du lịch, văn hóa; và mặt khác để hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực văn hoá thông qua việc thành lập các ngành công nghiệp. Đóng góp theo cách nhằm xóa đói giảm nghèo, văn hóa có thể tạo ra nhiều lợi thế quan trọng về sự gắn kết xã hội.

Lệ Chi và Hà Thái TH