Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chính thức cán mốc 700 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ngày 15/12, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ cán mốc kỷ lục mới 700 tỷ USD (tính đến ngày 14/12, trị giá xuất nhập khẩu là 698,5 tỷ USD).

Tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã tăng 7 lần so với cách đây 15 năm, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Năm 2006 nền kinh tế Việt Nam chỉ được xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa. Đến năm 2021, WTO ghi nhận thứ hạng của Việt Nam tăng ấn tượng về xuất khẩu hàng hóa là thứ 23 và nhập khẩu là thứ 20 trên thế giới.

Từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục với con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, thâm hụt lớn nhất được ghi nhận lên đến 18,02 tỷ USD trong năm 2008. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Năm 2020, thương mại hàng hóa của nước ta đã đạt kỷ lục với con số thặng dư hơn 19 tỷ USD. Năm 2021, dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, xuất siêu giảm nhưng vẫn đạt 4 tỷ USD.

2816-dsc-1627-1671111112.jpg
Ảnh minh họa.

Mới nhất, theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước sau 11 tháng năm 2022 đạt 673,7 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng 70,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 342,19 tỷ USD; nhập khẩu đạt 331,51 tỷ USD. Với kết quả này, cán cân thương mại thặng dư tới 10,68 tỷ USD, vượt xa con số 4 tỷ USD của cả năm 2021…

11 tháng qua, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 468,7 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021 (tương ứng tăng 50,76 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 205 tỷ USD, tăng 10,9% (tương ứng tăng 20,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD). Như vậy, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022 đều vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa ấn tượng ghi nhận trong năm 2022, thứ hạng xuất khẩu nhập của nước ta có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.

Với xếp hạng gần đây trong năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 trên thế giới. Trong ASEAN, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trị thứ 2 (chỉ sau Singapore) và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore). Theo công bố của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa ấn tượng ghi nhận trong năm 2022, thứ hạng xuất nhập khẩu của nước ta có thể được nâng cao hơn trên phạm vi toàn cầu.

Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, … qua đó, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thi Nguyên (t/h)