Xuân này vĩnh biệt tác giả “Quê Hương”

Theo tin mới nhận được từ gia đình: Nhà thơ Giang Nam đã qua đời lúc 9h45’ ngày 23 tháng 01 năm 2023 (mùng hai tháng giêng tết Qúy Mão 2023) do tuổi cao, sức yếu, thọ 95 tuổi.
gn-1674614769.jpg
Nhà thơ Giang Nam

Nhà thơ Giang Nam tên khai sinh là Nguyễn Sung, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1929 tại xã Ninh Bình, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà trong một gia đình Nho học. Thường trú tại 46 đường Yersin thành phố Nha Trang.

Tham gia Cách mạng từ tháng 8 - 1945 Nhà thơ Giang Nam từng kinh qua các chức vụ: Phó trưởng Ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa. Sau hiệp định Giơnevơ ông ở lại miền Nam làm Phó Ban tuyên huấn Tỉnh ủy, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn Gia Định. Sau tháng tư năm 1975 ông là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II và III, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, Trưởng Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VI, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh và Khánh Hòa (1984 -1989), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa (1989 - 1993).

Tác phẩm cùa nhà thơ Giang Nam đã công bố gồm 9 tập thơ và trường ca, 1 tuyển tập thơ và 5 tập truyện ngắn, truyện ký.

Ông đạt nhiều giải thưởng, như Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu với tập thơ Quê hương, Giải thưởng 25 năm VHNT Khánh Hòa về thơ (1975 - 2000), giải thưởng VHNT Khánh Hòa các năm 2001, 2002 và giai đoạn (2001-2005). Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 (2001).

Hai bài thơ: “Quê hương” và “Nghe em vào Đại học” của nhà thơ Giang Nam là những tác phẩm nổi tiếng được các thế hệ học sinh, sinh viên và người đọc yêu mến thuộc lòng. Tuổi thơ người Việt có lẽ đến 90% số người đi chăn trâu nên hầu như ai cũng thuộc “Ai bảo chăn trâu là khổ… hay có buổi trốn học bị đòn roi…” Bài thơ vừa lãng mạn vừa bi hùng đã làm bao thế hệ xao xuyến.

Nhà thơ Giang Nam tự bạch: “Tôi thấm thía một điều: Cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc là ngọn nguồn cảm xúc, là niềm vui và nỗi đau trong thơ tôi. Hoan nghênh những tìm tòi về hình thức. Mọi sự “làm dáng” tôn vinh chữ nghĩa đều có mặt trái của nó là ngăn cản thơ đi vào lòng người. Tôi tin rằng thơ Việt Nam phải mang đặc điểm Việt Nam, càng phát triển đổi mới càng phải biết bảo tồn cái gì là Việt Nam, là dân tộc trong thơ".

Vô cùng thương tiếc vĩnh biệt nhà thơ Giang Nam, một con người giàu lòng nhân ái, một hồn thơ dịu dàng, sâu nặng nghĩa tình với quê hương đất nước, một nhân cách Kẻ Sĩ, một tấm gương đáng kính trọng và là niềm tự hào của quê hương Khánh Hòa, miền đất cực nam Trung Bộ của Tổ quốc thiêng liêng./.

Lê Khánh Mai