Xi măng tăng mạnh gây áp lực đè nặng ngành xây dựng

Trong nửa đầu năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng đã chứng kiến nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt. Điển hình như xi măng đã có 3 lần tăng giá, điều này làm cho ngành xây dựng có nguy cơ thua lỗ nặng,

Giá xi măng tăng 3 lần từ đầu năm 2022

Theo số liệu của Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA), giữa tháng 6, hàng loạt doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá bán. Cụ thể, tăng cao nhất là Công ty TNHH TM Xi măng Công Thanh khu vực miền Trung điều chỉnh tăng giá bán xi măng 140.000 đồng/tấn từ ngày 15/06; tiếp theo là Công ty TNHH MTV Xi măng Trung Sơn tăng thêm 90.000 đồng/tấn từ ngày 10/06.

Các đơn vị khác cũng thông báo tăng như: Công ty CP Kinh doanh Xi măng miền Bắc thông báo tăng giá bán sản phẩm xi măng Norcem Yên Bình và Xi măng Norcem Mai Sơn sản xuất tại Yên Bình, tăng 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với các chủng loại xi măng bao, rời và bao jumbo từ ngày 10/06.

Từ ngày 22/06, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn thông báo điều chỉnh tăng giá bán xi măng bao và rời thêm 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT); tương tự Công ty Xi măng Long Sơn cũng tăng 60.000 đồng/tấn đối với tất cả nhãn hiệu xi măng rời; Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch tăng từ 50.000 - 80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với xi măng PCB40 bao, rời đa dụng và công nghiệp.

xi-mang-xay-dung-1657162278.jpg
Xi măng đã có 3 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022 (Ảnh minh họa).

Cùng ngày Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân điều chỉnh tăng 50.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và rời Vicem Hải Vân, Wallcem (đã bao gồm VAT)...

VNCA cho hay: "Giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như xăng dầu, than đá... tăng mạnh khiến giá thành phẩm sản xuất xi măng liên tục tăng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giá bán xi măng ra thị trường trong tháng 6".

Như vậy đây là lần thứ ba trong năm nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán. Trước đó, hồi tháng 03, có khoảng 14 doanh nghiệp xi măng chọn tăng giá ở mức khoảng 100.000 - 150.000 đồng/tấn và vào nửa cuối tháng Năm, thị trường ghi nhận khoảng 10 đơn vị tham gia điều chỉnh ở mức tăng thêm 60.000 - 80.000 đồng/tấn.

Theo Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tính chung trong 05 tháng đầu năm nay, giá xi măng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với quý IV năm 2021.

Ông Lê Nam Khánh, Tổng Giám đốc Vicem cho răng, dù giá bán xi măng đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa bù đắp được so với mức tăng của chi phí đầu vào, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp và thời gian tới, có thể doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại kế hoạch lợi nhuận của năm nay. Việc giá xi măng tăng cao sẽ khiến ngành xây dựng tiếp tục gặp khó bởi xi măng là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành xây dựng.

Khó khăn đè nặng doanh nghiệp xây dựng

Thiếu nhân lực, giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhiều dự án chưa thể tăng tốc..., đã khiến cho nhiều doanh nghiệp xây dựng khó phục hồi.

Sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, khi hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước trở về trạng thái bình thường mới, nền kinh tế đang từng bước hồi phục. Với tín hiệu lạc quan của thị trường bất động sản, hầu hết DN hoạt động trong lĩnh vực này phục hồi rõ nét. Nhiều tín hiệu khởi sắc đã thúc đẩy ngành xây dựng phát triển theo. Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án tác động tích cực đến nhóm DN thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng.

cong-trinh-xay-dung-1657162552.jpg

Áp lực về giá vật liệu tăng đè nặng các doanh nghiệp xây dựng (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, dưới sự tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, dẫn tới đội giá thành công trình, định mức đơn giá mời thầu không còn phù hợp, lợi nhuận của ngành xây dựng bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông và có trình độ cao trong ngành xây dựng là một vấn đề nan giải cho các DN.

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết cho nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng. Đơn cử, giá thép thường chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị dự án nên việc giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí xây dựng đội lên cao. Ngoài ra, nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng… cũng đồng loạt tăng giá theo, gây áp lực lớn cho nhà thầu.

Thy Nhân (t/h)