Bài 2: Sắc màu tạo sự đột phá cho du lịch biển Sầm Sơn

Thanh Hóa là địa phương có vị trí địa lý trọng yếu, cùng với bề dày lịch sử văn hóa đã đem lại cho nơi đây hệ thống tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng. Những tài nguyên đó là nguồn lực quan trọng có thể đầu tư, khai thác những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng của mảnh đất xứ Thanh.

Bài 2: Sắc màu tạo sự đột phá cho du lịch biển Sầm Sơn

Những năm gần đây, Sầm Sơn (Thanh Hóa) luôn là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Có được điều này là nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo cùng nhân dân địa phương làm cho biển luôn “mới”, tạo dựng nên những gam màu riêng mang đậm văn hóa con người nơi đây góp phần quan trọng đưa du lịch Thanh Hóa đứng thứ 4 của cả nước

Trong những năm gần đây, các sản phẩm du lịch biển ở Thanh Hóa ngày càng được hình thành rõ nét, có nhiều chuyển biến tích cực. Với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư hạ tầng quy mô, đồng bộ tại một số khu du lịch trọng điểm, thu hút các tổ hợp dự án đầu tư quy mô lớn. Cùng với việc thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch đặc sắc đã đánh dấu bước đột phá của du lịch Sầm Sơn.

Thành phố của lễ hội

Xác định, du lịch là ngành kinh tế chủ đạo, với mục tiêu phấn đấu trở thành "Thành phố của Lễ hội". Trong những năm qua, lãnh đạo TP Sầm Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển du lịch nhanh, bền vững, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức sự kiện triển khai chuỗi sự kiện văn hoá, du lịch, lễ hội, thể thao các chương trình, sự kiện được tổ chức xuyên suốt trong suốt 4 tháng hè

1u1b5656-1233-1691922806.jpg

Trong những năm qua, Sầm Sơn đã tổ chức nhiều lễ hội đan sen để làm mới du lịch

Từ những “bước đi” đúng đắn đã giúp Sầm Sơn vươn lên mạnh mẽ, gặt hái được nhiều thành công. Chỉ trong 2 năm (2021 – 2023), Sầm Sơn đón gần 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt gần 25.000 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Sầm Sơn đã đón khoảng 5,3 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt hơn 9.160 tỉ đồng, góp phần quan trọng để Thanh Hóa giữ vị trí thứ 4 của cả nước về số lượng lượt khách và doanh thu từ du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, việc triển khai hạ tầng du lịch cũng được thành phố Sầm Sơn đặc biệt quan tâm. Trong năm 2022 – 2023 TP đã huy động hơn 24.000 tỷ đồng đầu tư phát triển, nhiều dự án lớn như: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội; khu đô thị Quảng trường biển, khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Sông Đơ; khu đô thị, dịch vụ thương mại phía Nam Sầm Sơn ... Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, đồng thời chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án về hạ tầng đô thị, du lịch từ nguồn ngân sách, như: đường Thanh Niên, đường Tây Sầm Sơn 5, đường Hai Bà Trưng, đại lộ Nam Sông Mã...

Đặc biệt năm 2022, Sầm Sơn được tỉnh Thanh Hóa ban hành cơ chế đặc thù theo đó, thành phố được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất không quá 5.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 9 danh mục công trình, dự án nhằm hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội của thành phố.

Hiện nay, thành phố Sầm Sơn đã xây dựng và đưa vào sử dụng 710 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 6.955 phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác. Ước tính đến hết năm 2023, thành phố Sầm Sơn có 25.000 lao động du lịch.

Xây dựng hình ảnh con người thân thiện

Trong năm 2023 Sầm Sơn đặt mục tiêu đón 7.250.000 du khách, doanh thu đạt 15.518 tỷ đồng, sớm trở thành đô thị du lịch quốc gia theo chiến lược phát triển du lịch Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để làm được điều đó thành phố Sầm Sơn tập trung thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động du lịch.  Xây dựng, phát triển du lịch bền vững, hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế, nhanh chóng hoàn thiện các quy hoạch trên địa bàn, tạo cơ sở pháp lý cho công tác đầu tư phát triển du lịch.

img20220409161550-1691922482.jpgSầm Sơn luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong những ngày hè

Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu du lịch Sầm Sơn đến với bạn bè trong và ngoài nước. Từ đó xây dựng thương hiệu mạnh, hướng đến phát huy "hương sắc bốn mùa" cho du lịch Sầm Sơn. Từ đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Sầm Sơn đẹp, an toàn, văn minh và thân thiện trong lòng du khách.

Đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, những người trực tiếp làm kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố cần thay đổi nhận thức, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, để xây dựng hình ảnh đẹp về con người Sầm Sơn trong lòng bạn bè và du khách. Năm 2023, thành phố đã mở 9 lớp tập huấn cho hơn 2.900 cán bộ quản lý, chủ các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và người lao động trực tiếp tham gia hoạt động dịch vụ du lịch.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm VHTT, TT&DL TP Sầm Sơn cho biết: “Để có một Sầm Sơn như ngày hôm nay, là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Từng bước khắc phục được những hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch TP.

Bên cạnh đó, Sầm Sơn cũng tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên, phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử; tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục, thể thao trên địa bàn, nhất là Lễ hội du lịch biển, các lễ hội gắn với các danh thắng, di tích; định kỳ tổ chức Lễ hội Tình yêu - hòn Trống Mái, trở thành lễ hội đặc sắc, riêng có của Sầm Sơn.

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng du lịch đang tiếp tục được đầu tư, nhiều dự án lớn được triển khai và đi vào hoạt động, tạo điểm nhấn về cảnh quan du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Chất lượng dịch vụ du lịch, văn hóa giao tiếp, ứng xử được cải thiện rõ rệt; nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác, tạo ấn tượng lớn trong lòng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là rất lớn, công tác phát triển du lịch, xây dựng văn hoá du lịch có thời điểm, có nơi vẫn chưa thực sự đem đến cho du khách”.

Trong thời gian tới, Sầm Sơn tiếp tục xây dựng văn hoá du lịch, từng bước thực hiện mục tiêu đến năm 2030, thành phố là đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Trở thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn./.

Hà Khải