Xã Thanh Lĩnh là vùng đất có lịch sử lâu đời và đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau trong suốt quá trình lịch sử. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gọi là xã Thanh La, tổng Võ Liệt. Sau Cách mạng Tháng Tám vào tháng 10/1946 sáp nhập với xã Hoa Quân và các làng Đồng Hòa, Đồng Du, Thanh Khiết thành xã Đồng Thanh. Đến ngày 20/04/1954, xã Đồng Thanh chia thành 2 xã là Thanh Lĩnh và Thanh Hương. Tên gọi xã Thanh Lĩnh bắt đầu có từ đây và tồn tại cho đến hôm nay.
Sau khi được UBND huyện Thanh Chương phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 5985/QĐ-UBND ngày 4/12/2011, UBND xã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, các tiểu ban thực hiện. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất được Đảng ủy xác định đó là phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, từ đó, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng, toàn dân về xây dựng NTM. Nổi lên mạnh mẽ nhất đó là phong trào hiến đất, tài sản để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các công trình văn hóa phúc lợi.
Bên cạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng, Ban chỉ đạo thường xuyên rà soát 19 tiêu chí, xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo quyết liệt. Với sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, kết quả đến ngày 26/12/2014, UBND tỉnh có Quyết định công nhận xã Thanh Lĩnh đạt chuẩn NTM, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội và là xã đầu tiên của huyện Thanh Chương chuẩn NTM. Đến năm 2021, với những thành quả mà chính quyền và nhân dân Thanh Lĩnh đạt được, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trên chặng đường phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu, địa phương đã tiếp tục đầu tư huy động mọi nguồn lực để tập trung hoàn thiện nâng cao các tiêu chí. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp, tạo bộ mặt khang trang hơn và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh. Kinh tế có bước tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp hàng hoá liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người. nông thôn. Năm 2023, bình quân thu nhập chung của người dân trong xã là 56,479 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022 là 1,49%; tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2023 là 1,48%.
Các lĩnh vực về giáo dục có sự phát triển cả quy mô và chất lượng, đặc biệt là trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cho các trường học. Bởi xã xác định đầu tư để giáo dục xã nhà phát triển là một trong những nội dung trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu, chỉ tiêu đại hội Đảng bộ xã, 100% trường đạt chuẩn Quốc gia. Liên tục nhiều năm liền ngành giáo dục Thanh Lĩnh là lá cờ đầu của tỉnh, được nhiều cấp tôn vinh, khen thưởng, được ví là Bắc lý, Cẩm Bình của Nghệ An… Y tế được nâng cao chất lượng, đời sống văn hoá ở nông thôn, vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.