Cam đặc sản vào mùa “ăn cả năm”
Về xã Đồng Thành, huyện Yên Thành những ngày cuối năm, người trồng cam nơi đây như chộn rộn hơn. Bước vào mùa "ăn cả năm", cây cam là nguồn thu nhập chính sau cả năm dài đầu tư, chăm sóc. Giống cam Xã Đoài được trồng thành công ở đây là loại cam đắt nhất hiện nay ở các tỉnh miền Trung.
Giống cam Xã Đoài lòng vàng được trồng trên vùng đất của xã Đồng Thành giữ được chất lượng gần như nguyên bản. Theo kinh nghiệm của những người có thâm niên với nghề trồng cam, do vùng đất quanh chân núi Lèn nên cho chất lượng quả tốt.
Trang trại cam của ông Trương Văn Biên (66 tuổi) ở xã Đồng Thành được xem là một trong những trang trại cam nổi tiếng ở huyện Yên Thành bởi quy mô cũng như sản lượng lớn và chất lượng cam ngon. Cam Xã Đoài lòng vàng nổi tiếng bởi vị ngọt thanh mà không gắt, thơm mà không quá nồng.
Trang trại cam của ông Biên thuộc Hợp tác xã Cam Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã đạt chứng nhận VietGAP và là sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ông Biên có gần 10 năm trồng cây cam, khách hàng ở khắp nơi. Hầu hết đều liên lạc qua điện thoại để đặt hàng. Ông Biên thu hoạch cam và đóng gói theo số lượng mà khách đặt rồi chuyển đến tận nơi.
Thu tiền tỷ trong vụ cam Tết
Theo người trồng cam ở Đồng Thành, mặc dù năm nay các loại sâu, ruồi vàng … xuất hiện nhiều, nhưng với kinh nghiệm trong khâu phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc hợp lý, nên không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, dự kiến sản lượng cam năm nay cao hơn năm trước.
Toàn huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hiện có hơn 335ha trồng cây cam. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là gần 290ha, sản lượng bình quân khoảng 20 đến 25 tấn/ha. Riêng xã Đồng Thành hiện có gần 100 hộ trồng cam với tổng diện tích gần 120ha. Trong đó có 60ha cam đã cho thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Vân ở TP. Vinh - thương lái chuyên thu mua cam cho hay, mỗi ngày chị thu mua 1-3 tấn cam Xã Đoài lòng vàng ở Yên Thành và nhập cho các cửa hàng trên địa bàn TP. Vinh và gửi đi khắp nơi."Giá cam thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, chắc chắn sẽ tiếp tục tăng", chị Vân nói.
Ông Trương Văn Biên cho hay, với diện tích 5 héc ta trồng cam, gia đình ông bắt đầu trồng cam thử nghiệm từ năm 2014 với 2,4 nghìn gốc. Cam trồng đến năm thứ 4 cho thu hoạch quả, những cây giống tốt, khỏe có thể cho thu hoạch đến 20 năm.
Thường thì quả cam sẽ chín đồng loạt và phải thu hoạch trong vòng hơn 1 tháng. Tuy nhiên sau nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, ông Biên tìm được cách hãm để quả cam chín rải rác và có thể thu hoạch dài ngày, tránh việc thu hoạch không kịp sẽ hỏng.
Điều đặc biệt, trong quá trình trồng cây cam, ông Biên không hề sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu. Vì thế cây cam cho quả sạch, an toàn. Mỗi khi có khách đến, ông Biên cũng đưa đi tham quan vườn cam của mình trước khi mua.
Đến tháng 10 âm lịch hàng năm, cam sẽ chín và cho thu hoạch đến rằm tháng Giêng. Nhưng cam chủ yếu được bán vào dịp Tết. Thường thì cam sẽ chín đồng loạt và phải thu hoạch trong vòng hơn 1 tháng. Tuy nhiên, sau nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, người dân cũng tìm ra cách hãm để cam chín rải rác và có thể thu hoạch dài ngày, tránh việc thu hoạch không kịp sẽ hỏng.
Năm nay thời tiết ổn định nên vườn cam của ông Biên cho thu hoạch hơn 100 tấn cam. Quả cam được phân loại A, B, C với giá bán khác nhau, dao động từ 25 đến 40 nghìn đồng/kg. Dự kiến năm nay ông Biên thu về khoảng 3 tỷ đồng. Trừ các chi phí, vườn cam mang lại lợi nhuận tiền tỷ cho gia đình ông Biên./.