VinaCapital: Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng vào cuối năm

Số liệu phân tích vừa được VinaCapital công bố cho thấy, đã có những tín hiệu lạc quan trong hoạt động sản xuất của công đồng doanh nghiệp, cùng với đó là dự đoán thị trường xuất khẩu sẽ phục hồi và tăng trưởng trong quý IV/2023.
logistics-viet-nam-1693066262.jpeg
Quý IV được VinaCapital dự đoán là thời điểm hoạt động xuất khẩu hàng hoá sẽ phục hồi và bước vào chu kỳ tăng trưởng - Ảnh minh họa.

Việt Nam đã trải qua đợt sụt giảm xuất khẩu kéo dài nhất trong năm 2023 sau hơn một thập kỷ qua. Điều này là yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực nhất đối với tăng trưởng GDP trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ phục hồi vào quý IV/2023, do chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ đã chạm đáy và nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng tốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Đây là nhận định của ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, trong báo cáo “Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy” vừa công bố.

Cụ thể, VinaCapital tin rằng sự cải thiện trong xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tốc trong thời gian tới, dựa trên những chỉ số đáng tin cậy, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu của Việt Nam cuối cùng đã “bắt nhịp” với xuất khẩu trong tháng 7 sau khi chậm lại trong nhiều tháng trước đó. Sự sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu tại Việt Nam đã được cải thiện trong tháng 7. Lượng tồn kho nguyên liệu đầu vào của các công ty sản xuất đã tăng trong tháng 7 - lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023.

Về tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam đã giảm nhanh hơn so với xuất khẩu trong suốt năm 2023 (trong tháng 6 vừa qua, xuất khẩu tăng 5% so với tháng trước đó, nhưng nhập khẩu chỉ tăng ở mức 1%), do đó thặng dư thương mại của Việt Nam tăng từ 0% GDP trong 7 tháng đầu năm 2022 lên 6% GDP trong 7 tháng đầu năm 2023 – mặc dù nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” vẫn còn thấp.

Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam giảm 17%, cao hơn so với mức giảm 10% của xuất khẩu nêu trên, là do các doanh nghiệp FDI - chiếm phần lớn giá trị nhập khẩu của Việt Nam - đã cắt giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào do không có nhiều đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI dường như đã sẵn sàng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất chuẩn bị cho mùa lễ Giáng sinh. Bằng chứng là lượng hàng tồn kho nguyên liệu đầu vào của các công ty đã tăng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022, theo S&P Global, và xuất nhập khẩu của Việt Nam đều tăng 2% so với tháng trước trong tháng 7. Sự sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu tại Việt Nam được cải thiện, kết hợp với việc sản lượng công nghiệp tăng 4% so với tháng trước trong tháng 7, đã giúp đẩy chỉ số PMI của Việt Nam tăng từ 46.2 trong tháng 6 lên 48.7 trong tháng 7.

Từ đó, VinaCapital tin rằng các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu và mua sắm nguyên liệu đầu vào, dần đẩy mạnh hoạt động sản xuất do kỳ vọng về sự hồi phục đơn đặt hàng xuất khẩu vào cuối năm nay.

Hương Lan