Takano, chúng tôi luôn nhớ về ông

"Takano là một con người ưu tú của đất nước “mặt trời mọc”, anh nói tiếng Việt rất giỏi đến nỗi nhiều người tưởng anh ấy là người Việt Nam.
di-vat-hinh-anh-ta-ka-no-1-tozh-1645326660.jpg
Thủ tướng Phạm Văn Đồng  thăm hỏi Bé Emi 5 tuổi, con gái Takano trong đám tang nhà báo

Tại chiến trường phía bắc năm 1979, anh ấy luôn mặc áo khoác, đeo máy ảnh nên ai nhìn cũng có thể nhận ra là ký giả, phóng viên. Tuy nhiên không hiểu vì sao cuối cùng anh vẫn bị phía Trung Quốc bắn vào thái dương".

Khi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, ông được cử đến Lạng Sơn với tư cách phóng viên chiến trường tờ báo Akahata. Những bài viết của nhà báo Takano đã góp phần rất lớn trong việc phơi bày, tố cáo hành động phi nghĩa của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Ngày 7/3/1979, hai ngày sau lời hứa rút quân của Trung Quốc, Takano Isao cùng phóng viên ảnh Nakamura Goro đến tác nghiệp tại khu vực đường Quang Trung, phường Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn). Bất thình lình quân Trung Quốc nổ súng tấn công vào hai xe chở phóng viên.

Takano Isao bị trúng một viên đạn xuyên qua thái dương khi đang chụp ảnh và tử vong tại chỗ, để lại người vợ trẻ với đứa con vừa tròn 5 tuổi ở quê nhà Nhật Bản.

Phía ta sau đó kiểm soát lại hoàn toàn thị xã Lạng Sơn và đánh dấu vị trí Takano ngã xuống bằng một mô đá nhỏ, trên đó cắm tấm bảng gỗ đề: "Nhà báo Isao Takano bị bọn xâm lược Trung Quốc giết ngày 7/3/1979".

Nhà báo Takano Isao được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định truy tặng Huân chương Hữu nghị. Vợ con ông được mời sang Việt Nam ngày 15/3/1979 và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đón. Nhạc sĩ Phó Đức Phương sau này sáng tác nhạc phẩm "Takano - nhân chứng quả cảm" để tưởng nhớ ông.

Bia tưởng niệm ban đầu đặt tại nơi nhà báo Takano hi sinh, sau đó chuyển về Nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng, tỉnh Lạng Sơn. Di cốt ông đã được đưa về chôn cất ở chân núi Zaō ở tỉnh Miyagi (Nhật Bản)./.

Thái Hà TH