Về một câu thành ngữ

Thành ngữ “một người làm quan, cả họ được nhờ” tồn tại lâu trong dân gian. Những năm cách mạng phản đế bài phong, nhưng câu thành ngữ trên không thấy bị lên án. Nó tồn tại như một lẽ đương nhiên, như một tất yếu của cuộc sống.
minh-ho-1677067479.jpg

Chữ viết Trung Quốc truyền thống phản ánh quan niệm của người xưa về con người và vạn vật. Chữ “quan” trong tiếng Hán có hai phần: Phía trên là bộ miên (mái nhà, mái che), phía dưới là hai chữ khẩu (nhiều miệng ăn, chỉ nhiều người). Hàm ý chính là: Quan là người che chở, chăm lo cuộc sống cho dân chúng. Bởi vậy, người làm quan được ví như “phụ mẫu” (cha mẹ) của dân, có vai trò trách nhiệm nặng nề. Lê Thánh Tông nói: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Người có đức, có tài nhậm chức thì nước trị, dân yên. Người vô đức bất tài giữ chức thì nước loạn, dân khổ”.

Cho nên khi nghe ở nơi này, nơi kia, có ông quan tỉnh đưa cả lò nhà ông ấy, hàng chục người từ con cái đến họ hàng nội ngoại vào chức nọ chức kia mà chỉ thấy công luận kêu ca chứ những người có trách nhiệm lặng tờ, thì tôi thấy đó là lỗi của cơ quan công quyền sở tại chứ không phải ở mấy ông quan tham lam kia, bởi lòng tham của con người là một thứ bản năng làm gì có giới hạn. Họ bất chấp được vì các cấp có thẩm quyền “ngó lơ”, chứ nếu luật nghiêm thì họ cụp mặt xuống chứ đâu dám làm thế.

Mười mấy năm trước, từng nghe bàn tán xôn xao ở Quốc hội về chống tham nhũng. Cứ 500 triệu là “dựa cột”. Thực tế nếu vài vị bị dựa cột thì chắc hôm nay không phải loay hoay phòng, chống. Còn nếu tham nhũng hôm nay mà xử lý đúng như những gì đã bàn thời ấy thì chúng ta có hẳn một nghĩa địa tham nhũng. Nói thế để biết gốc gác của tham nhũng do đâu. Chẳng khó khăn gì để tìm nguyên nhân.

Dựa hơi bố, hơi chồng… làm lãnh đạo để mở công ty kinh doanh này nọ trên cơ sở “Một người làm quan, cả họ được nhờ” ở ta nhan nhản khắp nơi. Chỉ có những người vợ, người con đần thì mới bỏ mối lợi ấy. Có ông ngã ngựa lại đổ tại vợ, con tham lam, nhưng nguồn gốc tội lỗi là ở quan đấy chứ. Của nả đem về chất cả đống mà không biết ở đâu ra à? Còn khi đã phình ra thành lợi ích nhóm, mua bán được đủ thứ thì thôi rồi!

Dựa quyền lực và dựa hơi từ lãnh đạo xóm xã lên huyện tỉnh và trung ương thành trào lưu rồi thì đất nước là của họ. Dân sẽ khổ đủ đường, ngân khố bị bòn rút, dân bị làm khó dễ. Lúc ấy chỉ loại gian thương là hưởng lợi, vì họ là cánh tay của đám người có quyền lực tha hóa. Chỉ nó mới kiếm chác đưa của cải về cho riêng mình.

Ở một số nước, phu nhân hoặc phu quân lãnh đạo chỉ đứng ra tổ chức làm từ thiện. Năm trước tôi sang Bu Tan thấy hoàng hậu của quốc gia này có một trung tâm chế biến mật ong rừng, bán gây quỹ ủng hộ cho giáo dục. Có nước thì làm từ thiện bằng xây bệnh viện miễn phí cho người nghèo. Họ làm những việc vinh danh cho vai trò của chồng chứ không lợi dụng vị thế để kiếm tiền đút vào túi riêng.

Những gì biện giải trên thực ra xã hội đều biết thế cả. Chẳng qua chỉ là hệ thống lại chứ chẳng phải phát hiện gì. Đất nước đang phải giai đoạn khó khăn, nên đánh động tí thôi. Bao giờ triết lý, “một người làm quan, cả họ được nhờ” được pháp luật đặt lên bàn cân thì đất nước mình chắc chắn mới khá lên được./.

Đỗ Đức