Về giải pháp phát triển cá nhân trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam

Tóm tắt: Quan điểm Triết học Mác - Lênin khẳng định: việc giải phóng toàn bộ xã hội cần phải được bắt đầu từ việc giải phóng cho mỗi cá nhân. Phát triển cá nhân (với những yêu cầu phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, nhân cách, tinh thần...) xét đến cùng là yếu tố quyết định đối với sự phát triển xã hội. Do vậy, phát triển cá nhân cần những giải pháp đồng bộ và cụ thể.
ky-nang-phat-trien-ca-nhan-va-su-nghiep-1662605912.jpg
 

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”([1]). Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong định hướng sự phát triển cá nhân trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Thực chất và nội dung của phát triển cá nhân trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay

Trong Triết học Mác - Lênin, con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của lịch sử, song đó không phải là con người chung chung, trừu tượng, mà đó là con người cụ thể, sống trong những điều kiện lịch sử nhất định, đó chính là cá nhân. Cá nhân là khái niệm chỉ con người cụ thể, là một chỉnh thể toàn vẹn, độc lập, có nhân cách, sống trong một xã hội nhất định vừa mang tính cá biệt vừa mang tính phổ biến, là chủ thể của lao động, của nhận thức và được xã hội thừa nhận. Sự tác động qua lại giữa các cá nhân tạo nên xã hội và bằng những hoạt động thực tiễn năng động, sáng tạo, mỗi cá nhân đóng góp vào sự thay đổi tự nhiên, xã hội, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội và hoàn thiện chính bản thân mình.

Như vậy, có thế nói, cá nhân bằng những hoạt động thực tiễn có tính lịch sử - xã hội của mình đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, xã hội không phải là số cộng các cá nhân, đó là tổng hòa các mối liên hệ giữa các cá nhân. Ở điểm này, C.Mác viết: “xã hội không phải gồm các cá nhân, mà xã hội hiểu hiện tổng số những mối liên hệ và những quan hệ của các các nhân đối với nhau”([2]), “xã hội (...) là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người” và “lịch sử xã hội của con người luôn chỉ là lịch sử của sự phát triển cá nhân của những con người”([3]). Cùng với đó, C.Mác viết: "Sự thay thế xã hội tư bản với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó xuất hiện một liên hợp trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người"([4]).

Từ những luận điểm trên về con người đã chỉ ra rằng, lịch sử xã hội chẳng qua là lịch sử phát triển cá nhân của những con người, rằng quan điểm triết học về giải phóng toàn bộ xã hội phải được bắt đầu từ việc giải phóng cho mỗi cá nhân, hay nói cách khác mục tiêu của phát triển xã hội, phát triển con người đó chính là hướng tới sự phát triển cá nhân một cách toàn diện. Để mỗi cá nhân phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo của lịch sử, cá nhân cần được phát triển một cách toàn diện và phát huy tối đa năng lực cá nhân trong hoạt động thực tiễn. Có thể nói: phát triển cá nhân (với những yêu cầu phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, nhân cách, tinh thần...) - xét đến cùng là yếu tố quyết định đối với sự phát triển xã hội.

Phát triển cá nhân thực chất là phát huy tối đa trình độ, năng lực, phẩm chất, nhân cách trong bản thân mỗi cá nhân gắn với vai trò làm chủ xã hội của cá nhân; tạo những điều kiện, tiền đề cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để cá nhân thể hiện năng lực hoạt động của bản thân, đóng góp vào sự phát triển của xã hội và hoàn thiện chính bản thân mình. Một cá nhân đích thực trong cộng đồng hiện nay là một cá nhân kết hợp hài hòa trong mình các yếu tố dân tộc - nhân loại, truyền thống - hiện đại. Phát triển cá nhân cũng có nghĩa là phát triển các yếu tố mang tính bản sắc riêng có của mỗi con người, đề cao bản lĩnh tự chủ và sáng tạo trong con người; phát triển cá nhân không có nghĩa là đề cao chủ nghĩa cá nhân.

Theo đó, nội dung của phát triển cá nhân trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay khá đa dạng và đòi hỏi chiều sâu, đó là: phát triển về năng lực trí tuệ, khả năng sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng xã hội; phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống; phát triển các giá trị về chính trị, tư tưởng; phát triển các giá trị về dân chủ; phát triển các giá trị về văn hóa, tinh thần; phát triển các giá trị về thể chất và hưởng thụ tinh thần...

Về một số giải pháp phát triển cá nhân ở nước ta hiện nay

Ở nước ta, vấn đề phát triển cá nhân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm từ khi đất nước giành được độc lập, đặc biệt là từ khi đổi mới đất nước đến nay. Trong suốt tiến trình cách mạng đó, vấn đề phát triển cá nhân luôn được xác định trên nền tảng quan điểm coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Từ đó, trong chủ trương, đường lối, chính sách của mình Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phát triển đến những khía cạnh hết sức cụ thể của cá nhân, từng bước xây dựng con người hoàn thiện về năng lực, nhân cách, góp phần thể hiện tốt vai trò làm chủ và năng lực làm chủ của cá nhân. Tuy nhiên, để quá trình phát triển cá nhân đạt được những kết quả mới, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng môi trường xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh để kiến tạo những tiền đề cho sự phát triển cá nhân. Cá nhân vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của xã hội, do vậy, để phát triển cá nhân trong điều kiện hiện nay không thể tách rời việc phát triển tất cả các mặt, các yếu tố của đời sống xã hội, chống sự tha hóa trong kinh tế, chính trị, đạo đức - lối sống; tích cực tạo lập những cơ chế, chính sách phát triển cá nhân. Theo đó, cần tạo lập những tiền đề vật chất cần thiết để phát triển cá nhân, thực hiện thành công mục tiêu “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”([5]). Trên cơ sở đó, nâng cao dân chủ xã hội chủ nghĩa trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, khuyến khích hình thức sở hữu tư nhân trên quan điểm “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”([6]); nghiên cứu và tiếp cận các mô hình xã hội dân sự ở một số quốc gia phát triển và chắt lọc những giá trị nhằm vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam nhằm phát huy vai trò của các thành tố xã hội ngoài Nhà nước cùng tham gia quản lý, phát triển xã hội, thúc đẩy phát triển cá nhân. Quan tâm đến nhu cầu và lợi ích chính đáng của cá nhân, tạo động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tích cực tham gia hoạt động thực tiễn, phát triển xã hội.

Cùng với đó, chúng ta cần hạn chế tối đa những tác động do khuyết tật của kinh tế thị trường đối với xã hội như: hiện tượng làm ăn phi pháp, gian lận, làm ăn “chộp giật”,... Theo đó, cần xây dựng hệ thống pháp luật và lực lượng thực thi đủ mạnh để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan, góp phần tạo ra môi trường kinh tế lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển xã hội và phát triển cá nhân.

Thứ hai, về chính trị, cần tạo môi trường chính trị ổn định và trong sạch cho sự phát triển xã hội. Trong điều kiện hội kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, sự ổn định chính trị có vai trò nền tảng cho sự phát triển xã hội nói chung và cá nhân nói riêng. Sự ổn định chính trị tạo ra sự yên tâm, nỗ lực trong hoạt động của mọi cá nhân, chủ thể tham gia phát triển xã hội. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác chống tham ô, tham nhũng, bởi thực tế cho thấy trình trạng tham ô, tham nhũng nếu không được giải quyết hiệu quả sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lòng tin của cá nhân đối với một xã hội, ảnh hưởng mọi mặt đến các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, thậm chí có thể làm tiêu vong cả một chế độ. Do vậy, để đảm bảo chính trị ổn định và trong sạch cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, kiên quyết, hiệu quả trong đấu tranh chống tham ô, tham nhũng.

Thứ ba, xây dựng cơ chế đánh giá cá nhân trên cơ sở đảm bảo giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Sự phát triển của cá nhân yêu cầu phải bình đẳng, hài hòa lợi ích giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể. Yêu cầu phát triển của xã hội ta hiện nay đòi hỏi sự xem xét, đánh giá cá nhân phải trên cơ sở khách quan, khoa học, không định kiến, giáo điều, bảo đảm cho cá nhân phát triển tự do và toàn diện, hài hòa giữa cá nhân và xã hội, không cực đoan. Đánh giá cá nhân cần thiết phải được đặt trong hoạt động thực tiễn, trong đó, lao động vẫn là tiêu chí hàng đầu của xây dựng con người, đánh giá sự phát triển của con người. Đánh giá cá nhân cần dựa trên sự tổng hợp của hiệu quả, giá trị xã hội được tạo ra từ hoạt động của cá nhân. Tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, động viên sự sáng tạo, đột phá trong hoạt động của cá nhân.

Thứ tư, phát triển giáo dục đào tạo nâng cao trình độ, nhận thức của cá nhân về vai trò, trách nhiệm của cá nhân và phát triển cá nhân. Cần đổi mới giáo dục đào tạo, xác định những nội dung, giá trị cốt lõi trong phát triển cá nhân ở nước ta hiện nay. Các nội dung cần hướng tới trong giáo dục nhằm phát triển cá nhân đó là: 1) Đức ở đây là đạo đức, cụ thể là đạo đức cách mạng, là tinh thần yêu quê hương, đất nước, yêu lao động, có lối sống lành mạnh, sống có nghĩa tình, có văn hóa; 2) Trí ở đây là trí tuệ, nghĩa là giáo dục phải mở mang, nâng cao  dân trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, tay nghề, khả năng sáng tạo cho con người; 3) Thể ở đây là giáo dục thể chất nhằm củng cố, bồi dưỡng, phát triển sức khỏe thể chất của con người; 4) Mỹ ở đây là những tri thức về thẩm mỹ - cái đẹp, giáo dục phải hình thành ở con người những quan niệm đúng đắn về cái đẹp, lối sống đẹp; biết phân biệt cái đẹp với cái không đẹp, biết cảm nhận, rung động trước cái đẹp.

Thứ năm, về văn hóa - xã hội, cần tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo ra các giá trịnh văn hóa, tinh thần mới, đảm bảo phát triển toàn diện đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Các vấn đề phức tạp trong văn hóa, xã hội cần được giải quyết: các yếu tố văn hóa bảo thủ, lạc hậu, lối sống vị kỷ, học đòi, văn hóa ứng xử xuống cấp, sự thương mại hóa trong các quan hệ xã hội, các tệ nạn xã hội... nhằm tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho sự phát triển cá nhân.

Cùng với đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ cả về mặt văn hóa và pháp luật để chống chủ nghĩa cá nhân. Về bản chất, chủ nghĩa cá nhân là sự tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, hạ thấp lợi ích tập thể, cộng đồng, xã hội. “Chủ nghĩa cá nhân là cơ sở của thế giới quan của chủ nghĩa vị kỷ, thường theo đuổi những mục đích vụ lợi, hưởng lạc và nuôi dưỡng tính hám lợi, tính hiếu danh”([7]). Do vậy, chủ nghĩa cá nhân là một trong những sự lệch pha của sự phát triển nhân cách con người. Do đó, cần chống lại chủ nghĩa cá nhân trong phát triển cá nhân Việt Nam hiện nay.

Thứ sáu, sự cố gắng vượt khó, năng động, sáng tạo của các cá nhân, bởi mặc dù xã hội có tạo ra môi trường tốt đẹp tốt nhất cho sự phát triển cá nhân, song mỗi cá nhân là chủ thể tự ý thức không tiếp nhận được những điều kiện đó thì sự phát triển cá nhân cũng chưa thể đạt được kết quả như mong muốn. Do vậy, cùng với sự tạo dựng của xã hội về môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, mỗi cá nhân cũng cần đặt ra cho mình những mục tiêu phát triển và nỗ lực trong hành động để phấn đấu đạt được những mục tiêu đó, tạo những nền tảng để đón nhận những cơ hội cho sự phát triển bản thân, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển rất rộng mở ở nước ta hiện nay.

Có thể nói, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội ở nước ta hiện nay, cá nhân có nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển, song sự phát triển của cá nhân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Xét cho cùng, hướng tới sự phát triển cá nhân là thực chất của việc phát huy bản chất con người, là mục tiêu của sự phát triển xã hội, làm cho con người ngày càng văn minh hơn, năng động hơn và sáng tạo hơn trong vai trò chủ thể sáng tạo của lịch sử, xã hội./

Chú thích:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.126.

[2] C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 46,  Phần I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.355.

[3] C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 27,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.657, 658.

[4] C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.628.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.76.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.102.

[7] Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 1, H.1995; tr.495.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2010), Quan niệm của Các Mác về tha hoá và ý nghĩa của quan niệm đó đối với phát triển con người Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Trần Văn Phòng, Huỳnh Thị Thu Năm (2013), “Chống chủ nghĩa cá nhân trong phát triển con người Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5.
  3. Trần Văn Phòng (2013), “Phát triển giáo dục để phát triển cá nhân con người Việt Nam trong quan hệ hài hòa với xã hội”, Tạp chí Khoa học chính trị, số 2.
  4. Đoàn Đức Hiếu (1996), Cá nhân và sự phát triển của cá nhân trước những yêu cầu và trong điều kiện hiện nay ở nước ta, Tạp chí Triết học, số 3.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Email: hoangkhaict4@gmail.com

Số TK: 1800258019541 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Cần Thơ.

Ths. Hoàng Văn Khải và Hà Thị Thúy