Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Cần tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng

Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế.
ong-vu-hong-thanh-1683628430.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/ĐH

Kinh tế phục hồi nhanh, đạt được những kết quả khá toàn diện

Tại phiên họp thứ 23, sau khi nghe Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, năm 2022 nước ta đối diện với nhiều biến động nhanh, phức tạp, tiêu cực của tình hình thế giới. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh", góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế.

Kinh tế nước ta phục hồi nhanh và đã đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật là: GDP tăng trưởng 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 3,15%, thu NSNN tăng 28,6% so với dự toán; các cân đối khác của nền kinh tế như cân đối lương thực, cân đối điện năng phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân cơ bản được bảo đảm; an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động được triển khai tích cực…

Sang năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, bất định, nhất là xung đột kéo dài tại Ukraine; một số ngân hàng lớn phá sản hoặc bị mua lại; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, nhiều nền kinh tế tăng trưởng thấp, đối diện nguy cơ suy thoái.

Ở trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Nhiều giải pháp được triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân. Phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Nhấn mạnh dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Cần tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022.

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia có tác động lan tỏa lớn.

Theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các loại bệnh truyền nhiễm, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết để khai thác hiệu quả các thị trường.

Tập trung mọi nguồn lực khôi phục thị trường khách quốc tế, sớm bắt kịp đà tăng trưởng của du lịch thế giới.

Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, xăng dầu. Xử lý các vướng mắc, bất cập trong việc tính toán các yếu tố cấu thành giá xăng dầu, cơ chế tính giá điện.

Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là biên giới đất liền và trên biển; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.