Đáng chú ý, trí tuệ nhân tạo (AI) với những bước tiến mạnh mẽ về mặt công nghệ hiện đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều mảng hoạt động khác nhau. Từ đó, giúp các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Tại Hội thảo khoa học “Tương lai của ngân hàng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo”, do Trường Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 10/12, ông Dương Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh AI, FPT Smart Cloud cho biết: AI đã, đang và sẽ tiếp tục là một chiến lược quan trọng của thế giới và Việt Nam nói chung, khối doanh nghiệp nói riêng trong hành trình số hóa, đặc biệt là khối doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Đây là những đơn vị tiên phong áp dụng các ứng dụng thực tiễn của AI để tăng năng lực cạnh tranh tiến tới mô hình ngân hàng số thông minh trong tương lai gần.
Theo ông Dương Lê Minh Đức, dịch COVID-19 diễn ra như một cú hích, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tài chính - bảo hiểm - ngân hàng nhằm đảm bảo khả năng vận hành và kinh doanh liên tục, đặc biệt trong các nghiệp vụ chăm sóc khách hàng trong bối cảnh giãn cách xã hội với nhiều diễn biến phức tạp.
Chẳng hạn, việc ứng dụng các công nghệ AI như trợ lý ảo giúp cho các kênh giao tiếp với khách hàng đảm bảo được sự liền mạch, cũng như bài toán làm sao có thể tiếp cận và phục vụ với hàng ngàn khách hàng cùng một thời điểm. Công nghệ định danh điện tử eKYC giúp cho việc xác thực khách hàng từ xa để đăng ký hoặc thực hiện giao dịch mà không cần đến trực tiếp các địa điểm.
Hay như nền tảng Reader Flex sẽ làm tăng năng suất trong việc nhập liệu với tính năng hỗ trợ trích xuất thông tin trên hình ảnh của mẫu giấy tờ không phải mẫu cố định. Hệ cơ sở tri thức dành cho chuyên ngành tài chính sẽ là một công nghệ đột phá giúp các trợ lý ảo sẽ thông minh hơn, linh hoạt hơn trong việc trao đổi, đối đáp đa dạng các tình huống với khách hàng trong việc giải đáp thắc mắc nghiệp vụ liên quan.
Dưới góc độ của ngân hàng, ông Đỗ Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Khách hàng doanh nghiệp lớn Hội sở Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng cho biết, việc ứng dụng AI và các giải pháp số hóa đã giúp các ngân hàng đạt được các kết quả đáng ghi nhận và là tiền đề cho sự phát triển đột phá trong tương lai.
Theo ông Bình, việc áp dụng ngân hàng số đã tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp cận dịch vụ phong phú và đa dạng. Nếu internet banking, mobile banking đơn thuần chỉ tập trung vào một số tính năng như chuyển tiền, tra cứu số dư và thanh toán, thì ngân hàng số lại là một bước nhảy vọt, vì khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện tất cả các giao dịch thông qua internet. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian, giao dịch. Đồng thời, cho phép có thể thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi có internet.
Bên cạnh đó, ngân hàng số giúp các ngân hàng thương mại giảm thiểu các chi phí, tăng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động, tăng năng lực cạnh tranh.
“Nhờ có ngân hàng số, ngân hàng thương mại tạo ra được quy trình giao dịch đơn giản với tốc độ nhanh, giảm thiểu thời gian chờ của khách hàng với chất lượng ngày một nâng cao và chi phí dịch vụ ngày càng thấp. Đồng thời, thông qua cơ sở dữ liệu được lưu trữ điện tử, các ngân hàng có thể phân tích, đánh giá khách hàng để từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp hơn”, ông Đỗ Thái Bình cho biết.
Về định hướng chính sách, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có các nhiệm vụ để thúc đẩy việc ứng dụng AI trong ngành, đẩy mạnh việc hợp tác giữa các tổ chức để nghiên cứu, phát triển công nghệ số. Trong thời gian vừa qua, các ngân hàng đã triển khai công nghệ AI trong nghiệp vụ quản lý rủi ro nội bộ, quản lý rủi ro tín dụng, hay quy trình quản lý rủi ro tổng thể…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các ngân hàng cũng gặp một số khó khăn như việc thu thập dữ liệu chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu tuân thủ… Mặt khác, hiện các ngân hàng đều có quy mô, nguồn lực khác nhau, qua đó cũng có chiến lược kinh doanh, phát triển công nghệ khác nhau. Do đó sẽ khó có thể có một giải pháp AI đồng bộ cho toàn ngành ngân hàng.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng cho rằng, AI cho phép các ngân hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, phù hợp với nhu cầu, tăng cường trải nghiệm khách hàng cũng như tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ nội bộ.
Tuy nhiên, tiến bộ nhanh chóng của công nghệ số cũng mang đến một số vấn đề quan trọng đòi hỏi sự nhìn nhận, đánh giá kỹ lưỡng của cơ quan quản lý nhằm xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, hạn chế, khắc phục được các rủi ro, khó khăn tiềm ẩn, nhất là trong vấn đề bảo mật, an toàn hệ thống…/.