Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Từ những kết quả đạt được, Thanh Hóa đang nỗ lực chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới bền vững, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.
ocop1-1634800813.jpg
Quầy trưng bày sản phẩm OCOP tại gian hàng của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Mai Hoa/TTXVN

Thực hiện Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025”, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là động lực, công cụ để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành; góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững.

Thời gian qua, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chủ trương của Trung ương và UBND tỉnh về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, hướng tới chính quyền điện tử trong xu thế hội nhập quốc tế và phục vụ quản lý.

Đơn vị đã áp dụng và triển khai hệ thống phần mềm xử lý văn bản đi, văn bản đến, theo dõi công việc, thống kê, giám sát quá trình xử lý văn bản...; trong đó, từng bước phát hành hồ sơ, áp dụng trong quy trình thẩm định, xét, công nhận các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên môi trường điện tử.

Các địa phương sau khi đảm bảo các điều kiện để công nhận đạt chuẩn theo quy định, gửi hồ sơ đề nghị thẩm định, xét, công nhận đạt chuẩn cho UBND tỉnh qua hệ thống phần mềm của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh. Bước đầu, đã tiếp nhận hồ sơ trên môi trường mạng để thực hiện các bước kiểm tra, thẩm định theo quy định.

Đầu năm 2020, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đã ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động hành chính của cán bộ, công chức, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật trên môi trường mạng; nghiên cứu, tham khảo để đưa việc chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bằng phần mềm…

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng mới đưa vào sử dụng phần mềm quản lý văn bản TD Office, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về Chương trình xây dựng nông thôn mới , Chương trình OCOP…

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP trên các website: nongthonmoithanhhoa.vn, ocoptinhthanhhoa.com.vn; đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và trên sàn thương mại điện tử www.langnghethanhhoa.vn; nongsanantoanthanhhoa.vn... cũng được quan tâm, thực hiện.

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã có thêm 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 1 xã và 23 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 70% kế hoạch năm.

Từ những kết quả đạt được, Thanh Hóa đang nỗ lực chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới bền vững, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.

Theo đó, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn 2 xã Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa) và Đông Văn (huyện Đông Sơn) đăng ký tham gia xây dựng mô hình thí điểm “Làng, xã thông minh” thuộc Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025”,

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa đã thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, nhất là trong Chương trình OCOP… góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng hệ thống phần mềm này còn một số khó khăn như: kinh phí cao, trình độ sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin của các chủ thể còn hạn chế, hầu hết các chủ thể OCOP là những đơn vị có quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình...

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn để nghiên cứu áp dụng việc quản lý cơ sở dữ liệu các sản phẩm OCOP bằng phần mềm, trong thời gian tới sẽ áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh…”, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm../.