Kế hoạch tăng trưởng tín dụng tham vọng
Trong báo cáo trình kỳ họp Quốc hội thứ 6 – Khoá XV đang diễn ra, Chính phủ đã đưa ra định hướng là phấn đấu mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024, cao hơn mục tiêu 14-15% đã đặt ra trong năm 2023.
Nhìn lại thực tế tăng trưởng tín dụng hiện nay, theo số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 27/10/2023, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,1% so với cuối năm 2022, chỉ mới hoàn thành 1/2 mục tiêu tăng trưởng đề ra hồi đầu năm dù đã đi được hơn 3/4 quãng đường.
Trong báo cáo chuyên đề vĩ mô mới công bố, các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ tích cực hơn năm 2023 do mặt bằng lãi suất đã giảm là điều kiện cần, tuy nhiên điều kiện đủ là sự phục hồi mạnh hơn của hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng, đáng lưu ý là tín dụng vay mua nhà.
“Đối chiếu với triển vọng cả năm 2024, chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là tương đối tham vọng”, các chuyên gia nhận định.
Tỷ giá có thể “hạ nhiệt” vào cuối năm?
Liên quan đến việc điều hành của NHNN trên thị trường mở, tháng 10 vừa qua đã chứng kiến một đợt hút thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng với quy mô đỉnh điểm là hơn 255 nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, dòng tiền chưa thực sự chảy về lại hệ thống khi NHNN vẫn duy trì số dư đối với tín phiếu NHNN ở mức 200 nghìn tỷ đồng.
Điểm tích cực là lãi suất tín phiếu đã tăng lên 1,5%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên khoảng 1,0%/năm trong các phiên giao dịch gần đây.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, thách thức đối với việc kiểm soát đà mất giá của tiền đồng vẫn hiện hữu khi chênh lệch lãi suất USD-VND vẫn còn khá cao.
“Sau kết quả cuộc họp Fed đầu tháng 11/2023, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư sắp tới sẽ hướng tới thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed, đà tăng của chỉ số đồng USD lẫn lợi suất TPCP Mỹ đã chững lại đáng kể trong thời gian gần đây đều là các yếu tố thuận lợi giúp tỷ giá duy trì ở vùng hiện tại và có thể hạ nhiệt một chút vào cuối năm”, chuyên gia VDSC nhận định.
Bên cạnh đó, tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào hơn từ thặng dư thương mại. Cụ thể, Việt Nam có thặng dư thương mại 21,68 tỷ USD trong 9 tháng năm 2023, trong khi đó cùng kỳ năm trước mức thặng dư thương mại hàng hóa chỉ 6,76 tỷ USD. Cùng đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và kiều hối duy trì tích cực, nguồn cung ngoại tệ được bổ sung từ một số thỏa thuận bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia phân tích của VCBS lại cho rằng, với việc các rủi ro liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt chưa được hiện thực hóa hết, áp lực tỷ giá vẫn thường trực trong các tháng cuối năm.
Lý giải chi tiết, các chuyên gia cho biết, sau cuộc họp chính sách tiền tệ trong tháng 11, Fed thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất. Tuy không tiến hành tăng lãi suất trong kỳ họp lần này, các định hướng chính sách tiền tệ của Fed trong giai đoạn tới được đánh giá mang tính chất diều hâu hơn khi để ngỏ khả năng có thêm một lần tăng lãi suất và không kỳ có bất cứ định hướng về thời điểm giảm lãi suất trong tương lai.
Tương tự, ECB và BOE cũng quyết định giữ nguyên lãi suất. Do đó, có thể thấy các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục phải đối mặt lựa chọn chính sách cân bằng hợp lý nhằm ứng phó với lạm phát dai dẳng vừa đồng thời hỗ trợ nền kinh tế với khả năng rơi vào trạng thái suy thoái vẫn đang hiện hữu.
Trong nước, áp lực tỷ giá tiếp tục được ghi nhận, VND tiếp tục giảm giá thêm 1% so với đồng USD, đưa mức giảm giá kể từ đầu năm tới nay lên tới 4,4%.